[CHUYỂN ĐỔI SỐ] - BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CẦN THIẾT

[CHUYỂN ĐỔI SỐ] - BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Ngày nay, trẻ em được tiếp cận, sử dụng mạng Internet từ rất sớm để phục vụ học tập, vui chơi giải trí. Bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội (MXH) có không ít cạm bẫy, rủi ro đối với các em nếu người lớn không quan tâm giám sát, có biện pháp bảo vệ con trẻ.

Mối nguy khó lường

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 60 triệu người sử dụng MXH, trong đó, trẻ em chiếm khoảng 30%. Tham gia MXH, ngoài mặt tích cực như tiếp cận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích hay tương tác xã hội phục vụ học tập, mở mang kiến thức; trẻ em đối diện với nguy cơ nạp phải nhiều thông tin giả; bị bắt nạt; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu độc hoặc nội dung lừa đảo.

Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều.

Từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh phát hiện, xử lý 19 vụ việc liên quan đến trẻ em trên không gian mạng, trong đó có 2 vụ phát tán hình ảnh nhạy cảm và 6 vụ xâm hại trẻ em. Đơn cử, ngày 18/4/2022, Công an huyện Tân Yên nhận đơn trình báo của chị N.T.G.D ở xã Tân Trung (Tân Yên) về việc con gái chị là N. T. N (SN 2007) trong thời gian học tập online tại nhà có nảy sinh tình cảm với một đối tượng trên Facebook. Sau đó, đối tượng này đã ghi lại hình ảnh nhạy cảm của cháu N phát tán trên MXH và bị đối tượng N.V. T (SN 2007) ở cùng xã Tân Trung sử dụng hình ảnh để đe dọa cưỡng đoạt số tiền 850 nghìn đồng. Sau đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, ra quyết định khởi tố bị can đối với N. V. T.

Ngoài những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn gây hại trẻ em, như: Tiếp cận thông tin xấu độc, xâm hại đời tư, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, trẻ em rất dễ sa vào tệ nạn cờ bạc trên không gian mạng.

Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: “Do hiếu kỳ trẻ em dễ bị rủ rê, lôi kéo vào tệ nạn xã hội, nhất là nạn cờ bạc online. Hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện nhiều trang web, ứng dụng cho phép người chơi dễ dàng tiếp cận, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Các ứng dụng này được quảng cáo tràn lan trên MXH Facebook, Zalo, Youtube kèm theo những lời mời hấp dẫn. Thanh thiếu niên, học sinh dễ bị rơi vào những canh bạc online dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến học tập hoặc nợ nần, vi phạm pháp luật”.

Không ít vụ lừa đảo lao động nhằm vào trẻ em gái vì những lời dụ dỗ trên mạng. Ví như vụ 4 nữ sinh tuổi từ 14 đến 16 ở xã Tiến Dũng (Yên Dũng), cuối tháng 5/2022 lên MXH tìm kiếm việc làm trong dịp hè. Một đối tượng không quen biết nhắn tin hứa tìm việc cho các nữ sinh trong miền Nam. Điều kiện đối tượng này đưa ra chỉ cần biết sử dụng máy tính, được bố trí công việc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt sẽ trả cao hơn. Không hề biết cạm bẫy đang giăng sẵn, 4 nữ sinh lên kế hoạch cùng nhau đi khỏi nhà. Rất may, công an các địa phương phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý vụ việc, nếu không những nữ sinh có thể bị đưa sang Campuchia phục vụ mục đích xấu.

Trách nhiệm của gia đình

Khi trẻ thường xuyên tiếp cận với thông tin, hình ảnh độc hại, không lành mạnh như: Bạo lực, khiêu dâm, ứng xử thiếu văn hóa sẽ tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, đạo đức, tinh thần của trẻ; hình thành thói quen không tốt. Không ít gia đình mải làm ăn, bận rộn công việc hoặc nuông chiều để mặc con trẻ làm bạn với chiếc điện thoại, máy tính kết nối Intrernet truy cập vào các trang, các kênh thông tin không lành mạnh, trò chơi bạo lực, phản cảm mà thiếu sự kiểm soát. Một số trường học, cơ quan, tổ chức đoàn thể chưa thực sự quan tâm phối hợp trong việc trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ em khi tham gia Internet và tạo sân chơi lành mạnh cho các em.

Bắc Giang, Bảo vệ, trẻ em, trên không gian mạng, Trang bị kiến thức, kỹ năng, cần thiếtKhông nên dùng máy tính, điện thoại thông minh, ti vi có kết nối Internet như một công cụ để trông trẻ. Đối với các em lứa tuổi học sinh, cha mẹ cần có kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn giúp trẻ hiểu về những mặt trái để các em sử dụng MXH một cách hiệu quả, an toàn”.Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang. Ông Lê Hồng Việt, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu người dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng có kết nối mạng, phần lớn người dùng tham gia MXH. Quá trình điều tra, xác minh, xử lý những vụ việc vi phạm trên không gian mạng, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng hoạt động tinh vi, sử dụng nhiều tài khoản, thường xuyên thay đổi, thậm chí hoạt động xuyên quốc gia. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng MXH không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc rất phức tạp”.

Đặc biệt, gần đây, nhiều đối tượng sử dụng không gian mạng để làm ăn phi pháp, trong đó có buôn bán thuốc lá điện tử, trẻ em là đối tượng họ hướng đến. Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp, tim mạch của chính người hút và những người xung quanh.

Mới đây, ngày 18/5/2023, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên) do N.C.N làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện tại cơ sở có gần 300 hộp thuốc lá điện tử với nhiều nhãn hiệu. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. N.C.N đã lập nhiều tài khoản Facebook và tạo lập các hội, nhóm trong ứng dụng Zalo để quảng cáo, bán sản phẩm thuốc lá điện tử trên không gian mạng, đối tượng chính hướng đến là giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.

Luật Trẻ em quy định rõ trách nghiệm của từng cấp, bộ, ngành, tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em. Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, một trong những nhóm giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nghiệm của các bên liên quan, đặc biệt là gia đình.

Ông Lê Hồng Việt khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên chủ động cập nhật kiến thức, hướng dẫn con em kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, tham gia MXH an toàn; không làm quen, gặp gỡ với người lạ khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ. Không chia sẻ, cung cấp thông tin, bí mật cá nhân, truy cập vào đường dẫn, nội dung không có nguồn gốc rõ ràng. Cùng đó, các nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh khi tham gia không gian mạng. Chính quyền, ngành chức năng tích cực vào cuộc, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến không gian mạng.
 

Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn