[CHUYỂN ĐỔI SỐ] - NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG NGỪA TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT

[CHUYỂN ĐỔI SỐ] - NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG NGỪA TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT

Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng thế mạnh của hệ thống internet, mạng xã hội và các phương tiện thông tin, truyền thông để tán phát tin giả, tin sai sự thật để gieo rắc tư tưởng hoài nghi, gây mất niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; kích động, chia rẽ nội bộ, nhằm mục đích gây mất an ninh, trật tự xã hội ở nước ta.

Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), tin giả là tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng; tin sai sự thật là tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có sở được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng. Tin giả, tin sai sự thật tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những bài nghiên cứu, bài báo, clip âm thanh, hình ảnh, bình luận trên các diễn đàn đến những thông tin quảng cáo. Tin giả, tin sai sự thật thường được cường điệu, hàm chứa sự ly kỳ, hấp dẫn, dễ đánh vào cảm xúc, tâm lý của đại bộ phận nhân dân, nhất là đối với những người cao tuổi và thanh thiếu niên. Có thể nói, tin giả, tin sai sự thật không chỉ bắt nguồn từ trình độ nhận thức hạn chế hay để giật tít, câu like, câu view…

Để tạo dựng tin giả, tin sai sự thật nhằm để gây mất an ninh, trật tự, các thế lực thù địch đã tìm cách xuyên tạc chủ trương, chính sách; thổi phồng, bóp méo sự kiện thực tế diễn ra trong nước; điển hình như, chúng ra sức xuyên tạc, bóp méo, sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam, cho rằng đó là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ Đảng”, “trả thù cá nhân”; hoặc chúng lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong quản lý nhà nước để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương; xuyên tạc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ và kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta thời gian qua… Chúng còn cắt ghép, dàn dựng, lấy những thông tin ở nước ngoài gán cho sự kiện trong nước; hoặc trước những sự việc, hiện tượng diễn ra trong thực tế, mặc dù chưa có kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, các thế lực thù địch tìm cách quy chụp, kết luận, hướng lái theo ý chủ quan của chúng. Chúng còn kết hợp giữa thông tin có thật với sự kiện không có trong thực tế để làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; ngụy tạo thông tin tạo tâm lý hoang mang trong xã hội.

Không chỉ được tuyên truyền miệng, tán phát trực tiếp từ người này qua người khác; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và thông tin truyền thông, nhất là sự xuất hiện của hệ thống internet, mạng xã hội (Zalo, facebook, tiktok...) đã trở thành phương tiện hữu hiệu để các thế lực thù địch tạo ra tin giả, tin sai sự thật tung tin một cách tinh vi và được tán phát, lan truyền rộng rãi trên quy mô toàn cầu. Chúng sử dụng thành tựu công nghệ để sửa chữa, chèn đường dẫn đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xuyên tạc; chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website của các cơ quan nhà nước để đưa những hình ảnh có nội dung xấu độc hoặc thay đổi nội dung thông tin nhằm mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà nước. Công nghệ phát tán, chia sẻ tin giả đan xen trên nền tảng các mạng xã hội nhanh tới mức người dân không còn phân biệt được đâu là tin gốc, đâu là tin dẫn lại. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2022, ở Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có tới 97,6% số người tham gia sử dụng Facebook... điều này đã tạo nên một cộng đồng không gian mạng xã hội hết sức đông đảo, đa dạng, khác biệt về trình độ, năng lực tiếp cận thông tin... Đặc biệt, các thế lực thù địch còn sử dụng những người nhẹ dạ, cả tin hoặc vì lợi nhuận kinh tế đứng ra “làm chim mồi” đóng vai“nhân chứng” chứng minh “độ tin cậy” cho thông tin xuyên tạc mà chúng đã đưa ra. Đối tượng tung tin giả dưới dạng bài viết hoặc video clip bằng cách chỉnh sửa, lồng ghép hình ảnh một cá nhân vào bối cảnh có thực, biến sản phẩm này thành một tin có vẻ là thực và phát tán chúng trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán tin giả, tin sai sự thật vi phạm pháp luật. Chỉ tính riêng năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện hàng chục ngàn bài viết, bình luận sai sự thật, đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng. Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường quản lý mạng xã hội, yêu cầu facebook, google, xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Đặc biệt, năm 2022, facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, Hội đồng phê... Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 06 kênh Youtube phản động (có khoảng hơn 1.500 clip); Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý 4.363 tin phản ánh, thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu, độc. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thiết lập được hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để tăng cường phối hợp, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng.

Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, tán phát tin giả, tin sai sự thật, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Chủ động nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, những bức xúc, nổi cộm được xã hội quan tâm ngay từ cơ sở, đặc biệt ở những địa phương phức tạp về an ninh chính trị;

- Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp khiếu kiện, các vụ đình công, lãn công… không để hình thành “điểm nóng”, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở;

- Quan tâm giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân trên cơ sở pháp luật… không để kẻ địch lợi dụng để tuyên truyền, tán phát tin giả, tin sai sự thật. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về âm mưu, thủ đoạn và bản chất của hoạt động tuyên truyền, tán phát tin giả, tin sai sự thật;

- Chú trọng thông tin, tuyên truyền làm rõ tác hại của các thông tin phản động, xuyên tạc, có khả năng nhận diện và “miễn dịch” các nội dung thông tin xấu độc, nguy hại đối với xã hội để từ đó thúc đẩy mọi người tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh. Hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cách thức tiếp cận những thông tin chính thống;

- Chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh phê phán, phản bác có sức thuyết phục những bài viết, thông tin có nội dung xuyên tạc, sai sự thật. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các trang mạng, các blog thường xuyên đăng tải các tin, bài, clip có nội dung xấu độc, xuyên tạc, trái với chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, quản lý internet, cần xác định những quan hệ xã hội mới phát sinh trên lĩnh vực này để kiến nghị cơ quan có chức năng ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh.

Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn