GIÁ TRỊ BẤT HỦ CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông pháp quyền kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

     

1. Trong giai đoạn đất nước vừa giành được độc lập còn rất nhiều khó khăn, Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9/1945 có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ.

Pháp bỏ chạy trước phát xít Nhật. Nhật hàng đầu hàng quân đồng minh. Vua Bảo Đại thoái vị. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, chớp được thời cơ nhất tề vùng lên giành được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.

Song, phía trước còn rất nhiều khó khăn. 20 vạn quân Tưởng sắp vào miền Bắc giải giáp vũ khí quân đội Nhật. Một vạn quân Anh sắp vào miền Nam giải giáp vũ khí quân đội Nhật, nhưng cho thực dân Pháp nấp sau lưng vào xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong bối cảnh đó, Tuyên ngôn Độc lập càng có nhiều giá trị lớn.

Trước hết, đó là tuyên bố chính thức của cách mạng xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến. Đặt cơ sở pháp lý khai sinh nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành một biểu tượng quốc gia độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền được hưởng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam:

 “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! …

 “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy””.

Tuyên ngôn độc lập đặt cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng Tuyển cử và sự ra đời hiến Pháp năm 1946 và việc xây dựng dựng Nhà nước của dân, do dân vì dân đầu tiên ở nước ta. Nước ta đã có chủ quyển để tiếp đón quân đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật.

Tuyên ngôn độc lập đặt cơ sở pháp lý cho việc lập quan hệ ngoại giao với các nước dân chủ, tiến bộ  trên thế giới. Cách mạng nước ta gắn liền với cách mạng thế giới và có tác động qua lại hỗ trợ lẫn nhau.

Tuyên ngôn độc lập là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết nhân dân quyết một lòng bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ Chính quyền cách mạng non trẻ. Tuyên ngôn độc lập trở thành động lực chính trị trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

2. Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là một kết quả của cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách phát xít Nhật trong 5 năm, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp trong 87 năm, lật đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Nước Việt Nam mới ra đời. Dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc tiến lên CNXH.

Tuyên ngôn Độc lập công bố sự cáo chung của chế độ quân chủ phong kiến, bắt đầu thời kỳ nhân dân làm chủ. Bắt đầu thời kỳ xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ không có tên trên bản đồ thế giới cận hiện đại, Tuyên ngôn Độc lập bắt đầu thời kỳ nước Việt Nam chính danh từng bước đi ra thế giới, cùng các lực lượng cách mạng và loài người tiến bộ đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Là thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, tiếp theo đó là Công hàm ngày 18/02/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh  gửi  Chính phủ các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh nêu rõ tính hợp hiến của Nhà nước ta để tranh thủ sự ủng hộ của các nước và nhân dân thế giới.

Đó là những văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa vấn đề Việt Nam ra trước thế giới, đặt cơ sở  cho những thắng lợi trên trường quốc tế của cách mạng Việt Nam sau này. Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, rồi với tất cả các nước dân chủ. Và, Việt Nam hiện nay với chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

3. Bản Tuyên ngôn độc lập tiếp tục có giá trị định hướng phát triển cho nước Việt Nam trong chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tuyên ngôn Độc lập đề cao những giá trị của quyền con người và từ quyền con người, Hồ Chí Minh nâng lên quyền của các dân tộc. Mở đầu Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó, Người đề cập đến quyền tự do, bình đẳng, bác ái của con người trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những tư tưởng bất hủ về quyền con người, là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Từ việc thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của con người, Hồ Chí Minh đi tới khẳng định quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” .

Gắn đấu tranh cho quyền con người với đấu tranh cho các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế giới là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ quyền con người gắn liền với các mục tiêu lớn của loài người: Hòa bình và an ninh quốc tế, độc lập dân tộc với tiến bộ xã hội.

Tuyên ngôn độc lập chính là văn bản pháp lý đầu tiên mở đường cho chủ trương nước ta hội nhập quốc tế. Ngày nay, chủ động hội nhập quốc tế, chúng ta chấp nhận  và tham gia xây dựng các luật lệ và chuẩn mực quốc tế vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Trên cơ sở lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, chúng ta thực hiện  đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hoà bình và hợp tác để phát triển.

Tư tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn độc lập là tất cả đều vì độc lập, tự do và hạnh phúc của con người và của mỗi dân tộc vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu trên hành trình đi tới tương lai cùng các quốc gia dân tộc khác trên thế giới.

4. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, cần hiểu hết giá trị của lịch sử dân tộc cũng như giá trị của độc lập tự do thông qua Bản tuyên ngôn này để biết góp sức vào xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay cho tới mai sau.

Cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng để tuổi trẻ hiểu sâu sắc hơn giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc của con người, của dân tộc trong đời sống thực tế, cũng như trong áng văn lập quốc Tuyên ngôn độc lập. Một văn bản chính trị quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Tuyên ngôn độc lập mang lại tính chính danh quan trọng nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập giúp giải thích tại sao hệ thống chính trị Việt Nam lập nên từ 1945 đến nay đã vượt qua được mọi cơn chấn động chính trị trên thế giới và đã liên tiếp giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước 78 năm qua.

Áng thiên cổ hùng văn lập quốc Tuyên ngôn độc lập cần được giới thiệu, giảng dạy sâu sắc trong chương trình lịch sử, trong chương trình văn học ở bậc phổ thông cũng như Đại học ở nước ta.

Đồng thời, cần có chính sách tạo môi trường thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, thể lực không chỉ trong các trường học, mà còn qua rèn luyện trong thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đảng, Nhà nước, Đoàn thể khuyến khích thanh niên có hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn độc lập.

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện Chính trị - Pháp lý quan trọng đặt nền tảng cho việc khẳng định và thiết lập Nhà nước pháp quyền dân chủ ở Việt Nam sau năm 1945 với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Trên cơ sở đó cách mạng Việt Nam liên tục phát triển lên tầm cao mới với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân nhằm đạt tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”. Hơn nữa, Tuyên ngôn độc lập không chỉ tạo ra cơ sở lý luận - thực tiễn, điều kiện vật chất - tinh thần góp phần bảo đảm thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, mà còn trở thành ngọn cờ hiệu triệu và động lực thôi thúc nhân dân ta tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

78 đã đi qua, song nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Tuyên ngôn độc lập không chỉ giữ nguyên giá trị, mà còn thể hiện sức sống mãnh liệt trong thời đại mới. Đất nước ta trong thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ và thách thức. Các thế lực thù địch luôn chống phá cách mạng; Tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang làm ảnh hưởng nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều đó, cũng có nghĩa là bảo đảm quyền dân tộc, quyền con người và cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.

Thế giới vẫn không ngừng biến đổi, song giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử thế giới của Tuyên ngôn độc lập vẫn sống mãi, luôn tươi mới trong trái tim, khối óc của các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ, không chỉ bởi giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý, văn hóa của nó, mà còn bởi giá trị thời đại, giá trị nhân văn cao cả về quyền dân tộc và quyền con người được sống trong môi trường hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như khát vọng Hồ Chí Minh./.

CLB Lý luận trẻ