GIẢI PHÁP BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế. Kiên quyết bác bỏ những quan điểm sai trái, phản động, cố tình phủ nhận, xuyên tạc những quan điểm cốt lõi, có tính nguyên tắc mà Đảng ta đã khẳng định trong quá trình lãnh đạo đất nước nói chung, công cuộc đổi mới nói riêng. Làm cho quần chúng thấy được tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các học viện, nhà trường, có giảng dạy nội dung kinh tế cần coi trọng, đẩy mạnh thông tin, định hướng kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những tư tưởng kinh tế chính thống trong quần chúng nhân dân, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta bắt nguồn từ sự vận dụng trung thành và sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở nước ta. Tích cực và linh hoạt hơn trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế nhiều thành phần, về đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị mắc mưu trước các luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

Hai là, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.  Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, trước hết cần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế phát triển. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.

Ba là, đẩy mạnh đấu tranh phê phán các quan điểm sái trái, thù địch, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng. Đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận nhằm bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế phù hợp với tình hình mới. Chú trọng công tác nghiên cứu dự báo, phát huy vai trò các lực lượng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng một số khuyết điểm, yếu kém của nền kinh tế nước ta để thực hiện các hành động chống phá. Vì vậy, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế cao với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là giải pháp hữu hiệu nhất để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Để làm được vấn đề này, cần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, đồng thời xây dựng các chủ trương, chính sách đúng đắn, sát thực tế nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Năm là, thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, kết hợp chống “diễn biến hòa bình” của địch với chống “tự diễn biến” của ta. Tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành “diễn biến hòa bình”; đồng thời, đây cũng là vấn đề “tự diễn biến” của ta mà kẻ thù đang mong đợi. Bởi vì, tham ô, lãng phí, quan liêu diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất làm cho nhân dân bất bình, mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ; kẻ thù lợi dụng thổi phồng, bóp méo, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Sáu là, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sau hơn 35 năm đổi mới, nước ta đã thoát khỏi thế bao vây, cấm vận; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới, tích cực thúc đẩy và tham gia các thỏa thuận kinh tế, thương mại song phương và đa phương, trong khu vực và liên khu vực, có quan hệ thương mại với nhiều nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, đặc biệt với các nước lớn; điều này đã góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là  cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta quyết liệt hơn. Vì vậy, phải kiên trì thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm thu hút vốn đầu tư, viện trợ phát triển, nâng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế, tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới. Chủ động kết hợp chặt chẽ giữa mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại với bảo vệ an ninh và chủ quyền kinh tế của đất nước. Trong hoạt động kinh tế đối ngoại phải chú ý cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Việc quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, các khu công nghiệp, các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài không để gây tổn hại đến an ninh quốc gia và các khu vực phòng thủ của đất nước.

CLB Lý luận trẻ