NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN CHÍNH SÁCH HÒA HỢP DÂN TỘC

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động không ngừng đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc hòng phủ nhận chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh việc phát tán trái phép các tài liệu, văn bản, các thế lực thù địch, phản động còn tận dụng triệt để yếu tố công nghệ,  thông qua một số website (thongluan.blog, thongluan-rdp.org, vietbao.com, sbtn.tv, bbc.com/Vietnamese, voatiengviet.com, rfi.fr/vi/, rfa.org/vietnamese...), các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Google Plus, Slide Share…), các ứng dụng trên điện thoại… để tiến hành chống phá, xuyên tạc, bóp méo chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam.

Có thể nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc và phủ nhận chính sách hòa hợp dân tộc ở Việt Nam qua các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động cho rằng ở Việt Nam không có hòa hợp dân tộc thực sự vì xã hội Việt Nam luôn có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc.

Nội dung này được thể hiện qua một số bài viết như: “Vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc tại Việt Nam” của Thiện Ý, “Trở lại vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc” của Nguyễn Gia Kiểng, “Carl Thayer: Vấn đề hòa giải, hòa hợp “vẫn còn nhức nhối” sau cuộc chiến Việt Nam”… Đặc điểm chung của các bài viết này là đưa ra những nhận định, quan điểm hồ đồ và hết sức phiến diện: “Chúng ta cần hòa giải giữa các sắc tộc thiểu số và người Kinh. Chúng ta cần hòa giải giữa người Nam và người Bắc. Chúng ta cần hòa giải giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc, nhất là với Phật giáo. Chúng ta cần hòa giải giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với đất nước...”; “vấn đề hòa giải, hòa hợp vẫn còn nhức nhối”, “có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể chữa lành”; “hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn chưa thực hiện được tại Việt Nam”...

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động cho rằng các chính sách, luật pháp về hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam hiện nay là “đãi môi”, “con đường nửa vời”; Đảng và Nhà nước Việt Nam không có thiện chí trong quá trình hòa hợp dân tộc.

Với quan điểm này, họ đưa ra những bài viết cực đoan để phủ nhận chính sách, pháp luật về hòa giải, hòa hợp dân tộc, nghi ngờ về thiện chí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Điển hình như bài viết “Có đúng là hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công như lời ông Nguyễn Chí Vịnh?” của Diễm Thi cho rằng: “Sự kiện 30 tháng 4 chỉ thống nhất được lãnh thổ chứ không thống nhất được lòng người. Đến bây giờ nó vẫn là như thế”, “chính sách thời hậu chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam về hòa hợp, hòa giải dân tộc đến nay vẫn chưa thành công”. Ngụy biện hơn, các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng, theo ghi nhận của RFA, đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có hòa hợp, hòa giải với chính sách hiện nay của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động tự nhận mình là “người đại diện” cho “nguyện vọng của đa số” để tuyên truyền, đề xuất cho “phương cách hòa hợp”.

Để cổ xúy cho luận điệu này, các website như voatiengviet.com, thongluan-rdp.org... đăng tải các bài viết như: “Vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc tại Việt Nam”, “Hòa hợp, hòa giải dân tộc, nên hiểu thế nào cho đúng?”, “Dư âm từ một kỳ nghỉ dài”... Các thế lực thù địch cho rằng chỉ có chúng mới có thể đưa ra cách hiểu đúng về hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một trong ba lập trường căn bản của tập hợp dân chủ đa nguyên” và vu khống: “có sự thiếu tin tưởng vào thực tâm và thiện chí muốn hòa giải của các bên”... Chúng tự huyễn hoặc cho mình quyền “đại diện” để đề ra “phương cách song phương và đơn phương” để tiến hành hòa giải, hòa hợp. Theo đó, “phương cách song phương” là “đại diện hai bên Việt Nam và Việt Quốc ngồi lại với nhau để cùng giải quyết mâu thuẫn căn bản”; “phương cách đơn phương” là yêu cầu Đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay phải “thực tâm, có thiện chí”...

Thứ tư, lợi dụng đặc điểm của thông tin trên mạng internet như dễ dàng tìm kiếm, truy cập, sao chép và chỉnh sửa, các thế lực thù địch, phản động cố tình chỉnh sửa và phát tán các thông tin nhằm phá hoại, xuyên tạc.

Theo số liệu thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ những năm 2000 các thế lực thù địch đã “sử dụng khoảng 50 đài phát thanh, truyền hình, gần 400 tờ báo, tạp chí tiếng Việt, trong đó có khoảng 10 tờ có nội dung rất phản động, 66 nhà xuất bản để tuyên truyền, chống phá cách mạng Việt Nam, đưa một số lượng lớn tài liệu, sách báo, truyền đơn, băng hình… có nội dung phản động, đồi trụy vào Việt Nam, chỉ đạo bọn “bồi bút”, cơ hội viết nhiều bài xuyên tạc, bôi nhọ tình hình Việt Nam”

Thứ năm, các thế lực thù địch, phản động cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam cấm đoán và hạn chế các nghiên cứu về văn hóa, văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975... Vì vậy, chưa có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Để chứng minh luận điệu trên, thông qua một số website (thongluan-rdp.org, rfi.fr/vi/, sbtn.tv, rfa.org/vietnamese, bbc.com/ Vietnamese,voatiengviet.com,vietbao.com, vietnamvanhien.org/...), các thế lực thù địch, phản động lợi dụng một số quy định được Đảng và Nhà nước ta ban hành trong giai đoạn 1975 - 1985, bỏ qua những đổi mới trong lý luận và thực tiễn cũng như những thành tựu mà đất nước ta đạt được từ năm 1986 đến nay..., từ đó khẳng định: hiện nay Việt Nam vẫn cấm đoán và hạn chế những nghiên cứu về văn hóa, văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975: “Xem chừng sợi dây ràng buộc không dễ gì cởi bỏ một sớm một chiều”.

 
CLB Lý luận trẻ