PHÒNG, CHỐNG “TƯ DUY NHIỆM KỲ” TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

Cùng với lợi ích nhóm, “tư duy nhiệm kỳ” (TDNK) và bệnh thành tích đã và đang thật sự là những căn bệnh gây nhiều tác hại trong Đảng và bức xúc trong dư luận. Trong công tác cán bộ, TDNK phổ biến diễn ra khi bước vào nhiệm kỳ cuối hoặc trong những năm cuối của nhiệm kỳ, thể hiện rõ ở các khâu tiếp nhận, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không vì nhu cầu, năng lực thực tiễn công tác mà vì nể nang, quen biết, vì quan hệ họ hàng, thân tộc, vì vụ lợi, nhóm lợi ích làm phát sinh tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, tiêu cực...

Hệ lụy tiêu cực

Những biểu hiện của TDNK xuất hiện với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. TDNK thường tập trung ở những người mới được bổ nhiệm vào chức vụ lần đầu hoặc được bầu cử vào một chức vụ mới tranh thủ mọi điều kiện, cơ hội xây dựng cơ sở, tạo ê kíp, phe cánh trung thành nhằm khẳng định, củng cố vững chắc vị trí của mình; những người biết chắc hết nhiệm kỳ không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại hoặc tái cử bộc lộ tư tưởng “chợ chiều”, “im lặng”, tranh thủ vun vén lợi ích cho bản thân, gia đình với phương châm “vơ-vét-vù”; tìm mọi cách “chạy” để được đãi ngộ chế độ, chính sách thỏa đáng, được “hạ cánh an toàn” nhằm “cầu an, hưởng lạc” khi về nghỉ công tác. Còn những người có thể tiếp tục được bổ nhiệm lại hoặc tái cử, thăng chức thường “nín thở”, “chờ thời”, tạo thành tích đánh bóng bản thân, dùng tầm ảnh hưởng lôi kéo, hứa hẹn và “dĩ hòa vi quý” lấy lòng mọi người để được ủng hộ, tín nhiệm.

Do bị chi phối bởi TDNK nên nhiều khâu trong công tác cán bộ thiếu khách quan, công tâm. Quy hoạch cán bộ phải tiến hành theo phương châm “động” và “mở” và có chiến lược lâu dài để tạo nguồn. Tuy nhiên, do động cơ vụ lợi hoặc tâm lý “chợ chiều”, tạo cơ hội, điều kiện cho nhau nên không ít trường hợp vận dụng, châm chước, cho nợ hoặc hạ thấp, du di tiêu chuẩn, điều kiện để đưa những người thân, cùng cánh vế, cùng “nhóm lợi ích”, cùng dòng tộc với mình vào danh sách quy hoạch theo dạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì phả hệ, thứ ba quan hệ, thứ tư tiền tệ, thứ năm trí tuệ”. Thực tiễn không hiếm nơi xảy ra tình trạng khép kín quy hoạch để số người có đủ tiêu chuẩn được quy hoạch ít đi và những người được lãnh đạo “quan tâm”, “để mắt” dễ dàng lọt vào danh sách quy hoạch. Những người trong “tầm ngắm” nếu có khuyết điểm thường được nhận xét, đánh giá ưu ái, “chín bỏ làm mười”, nếu có thành tích sẽ được phóng đại, tô hồng và lược bỏ hạn chế. Thậm chí họ còn được tạo điều kiện luân chuyển hoặc thuyên chuyển công tác tới nơi thuận lợi trong thời gian ngắn để “dán tem”, tạo điều kiện bổ nhiệm, thăng chức. Thực tế minh chứng, một số nơi việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch cán bộ, chưa có tiêu chí cụ thể; không xuất phát từ mục đích, yêu cầu nhiệm vụ mà từ ý muốn chủ quan của một người hoặc của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Nóng nhất vẫn là câu chuyện tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là những người thân tín, họ hàng thiếu khách quan, minh bạch khiến dư luận bức xúc. Một số cán bộ lãnh đạo tranh thủ thời gian trước khi hết nhiệm kỳ công tác hoặc về hưu, chuyển công tác khác thành lập thêm những tổ chức mới không thật sự cần thiết để tăng thêm “chức danh lãnh đạo”; tranh thủ tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm thêm con cháu, người thân quen hoặc người đã “chạy” một cách dễ dãi, tràn lan và coi đó là “chuyện đã rồi”. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng tranh thủ trước khi hợp nhất hoặc cổ phần hóa để bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ là người thân trong gia đình cùng “nhóm lợi ích” vào các vị trí quan trọng đảm nhiệm công việc “béo bở”, có nhiều lợi ích để dễ bề thao túng quyền lực và trục lợi. Một khi cán bộ nào lọt vào “mắt xanh” của cấp trên hoặc đã chạy “đúng, đầy đủ các cửa” sẽ được tạo mọi điều kiện về “đúng đích” như “châm chước” hoặc cho nợ tiêu chuẩn của chức danh bổ nhiệm, bỏ qua hoặc làm tắt một số bước trong quy trình tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, thậm chí thực hiện đúng quy trình, được thảo luận, bàn bạc trong tập thể cũng chỉ là “hợp thức hoá” ý chí của người đứng đầu hay những người chủ chốt. Cán bộ nào có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, thẳng thắn đấu tranh bị dèm pha, ghét bỏ, bố trí vào những nơi “ngồi chơi xơi nước” hoặc đầy khó khăn, vất vả nhằm tạo ra “chỗ trống” để bố trí “cánh hẩu” thay thế.

Chính TDNK đang khuyến khích cho những kẻ kém tài, có bề dày “cống hiến và cung tiến”, hám danh lợi... có nhiều cơ hội để có chức quyền, khiến nạn mua chức, mua quyền có nguy cơ bùng phát. Hệ lụy phát sinh là không lựa chọn được những cán bộ thật sự “có đức, có tài”, làm thui chột động lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của những cán bộ tốt, tạo dư luận xấu trong nội bộ. Luân chuyển bất hợp lý khiến nơi thừa, nơi thiếu cán bộ; sau khi bổ nhiệm cán bộ lại phải cử đi học để “hợp pháp” hóa bằng cấp, hoàn chỉnh hồ sơ vì chưa đủ tiêu chuẩn khiến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chắp vá, “học giả” mà “bằng thật”.

Phải ngăn chặn hiệu quả

Phòng, chống TDNK đang trở thành đòi hỏi cấp bách. Trước hết phải xuất phát từ bước chuyển nhận thức. Cần có chủ trương, quy định, biện pháp cụ thể, thiết thực để kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, tư tưởng chủ quan, duy ý chí hoặc bè phái, cục bộ, địa phương, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức kết hợp xây dựng, tạo lập môi trường công tác lành mạnh, tạo động lực cho sự phát triển góp phần đấu tranh phòng, chống TDNK. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong nhận xét, đánh giá cán bộ, giới thiệu, thẩm định, xét duyệt nhân sự lãnh đạo kế tục và trong bầu cử cấp ủy, bổ nhiệm cán bộ, tránh chủ quan, biểu hiện TDNK, phải chủ động nêu gương, đấu tranh phòng, chống TDNK gắn với chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng ở địa phương, đơn vị, tổ chức, cơ quan mình trực tiếp lãnh đạo, phụ trách.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định về công tác tổ chức, cán bộ và cơ chế quản lý, theo dõi, kiểm soát lợi ích nhóm, người đứng đầu ở các cấp trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bảo đảm không tạo kẽ hở lợi dụng TDNK để trục lợi và xử lý kịp thời, nghiêm minh, không để xảy ra hậu quả. Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị khoa học, thiết thực hơn để đánh giá sát, đúng năng lực, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhằm kịp thời điều chỉnh hoặc thay thế bằng cán bộ đủ khả năng, tiêu chuẩn, điều kiện, nếu thấy tín nhiệm thấp. Quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh để giao và quản lý chặt chẽ biên chế cán bộ, công chức. Thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị.

Một giải pháp không thể thiếu là củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ thật sự có đủ “tâm, tầm, tài”, bảo đảm “trung thành, trung thực, thẳng thắn, trí tuệ, tận tụy, thực tiễn”, là “tai mắt” của cấp ủy, là công bộc của nhân dân, có bản lĩnh vững vàng, tính chiến đấu cao trong việc tham mưu, đề xuất phương án nhân sự chuẩn xác, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, tránh nể nang, né tránh, ngại va chạm, thù oán riêng tư, hoặc bị can thiệp, tác động, mua chuộc; tất cả vì Đảng, vì dân.

CLB Lý luận trẻ