TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 6 NĂM 2018 – CHỦ ĐỀ: “ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH”

CHUYÊN ĐỀ 1

RÈN LUYỆN TÁC PHONG CÁN BỘ ĐOÀN SÁNG TẠO, TRÁCH NHIỆM, TIÊN PHONG, GƯƠNG MẪU, SÂU SÁT CƠ SỞ THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Trước Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. “Tác phong” được hiểu là phong cách làm việc và phong cách công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Đại hội VII, “tác phong” được thay bằng “phong cách” trong cụm từ “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”[1]. Từ đây, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường được nói liền với nhau, thể hiện những giá trị to lớn, nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong cách theo nghĩa rộng là những lề lối, cung cách, cách thức hành xử của một người hay một lớp người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, … tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Phong cách còn chịu ảnh hưởng của nghề nghiệp, tạo nên những thói quen của mỗi người, có phong cách nhà giáo, phong cách nghệ sĩ, phong cách quân nhân, phong cách lãnh đạo…

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục đích sống của Hồ Chí Minh, mang tính dân tộc, hiện đại, khoa học, cách mạng, cao cả và thiết thực, thể hiện của một nhân cách lớn, siêu việt, một trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn của nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và thế giới. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa hoc, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam, trong đó có cán bộ đoàn học tập và làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[2], “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”[3] “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”[4] và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách, tác phong công tác. Thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm, góp phần xây dựng phong cách làm việc của cán bộ đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, các cấp bộ đoàn và cán bộ đoàn cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng tác phong, lề lối cán bộ đoàn, cụ thể như sau:

1. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần gũi

1.1. Phong cách làm việc khoa học

Do Việt Nam vốn truyền thống là một nước nông nghiệp lạc hậu nên tác phong làm việc không khoa học đã có lúc ăn sâu vào mỗi người, với các biểu hiện như: tính tùy tiện, luộm thuộm, không đúng thời gian, lề mề, không thiết thực, trì trệ, thiếu kế hoạch, được chăng hay chớ, hời hợt, không nghiên cứu tình hình đến nơi đến chốn, chỉ chú trọng hình thức mà không chú trọng thực chất nội dung, thiếu tầm nhìn xa trông rộng, chỉ thấy trước mắt mà không thấy lâu dài…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên những hạn chế ấy để có phong cách làm việc khoa học. Sở dĩ như vậy là vì Người tự rèn luyện một cách bền bỉ, thường xuyên trong suốt cả cuộc đời hoạt động của mình từ khi còn thuở thiếu niên cho đến những năm tháng cuối đời, bất kể ở hoàn cảnh nào, trên cương vị nào. Do vậy, cán bộ đoàn rất cần phấn đấu, rèn luyện, học tập ở Bác để có được tác phong, lề lối làm việc khoa học, tập trung vào những vấn đề cốt lõi như:

- Có kế hoạch làm việc rõ ràng. Kế hoạch này là kết quả của việc điều tra, nghiên cứu tình hình một cách cẩn thận, cụ thể, do vậy nó rất thiết thực, không viển vông, không to tát quá sức bản thân và quá điều kiện cho phép. Nắm tình hình sâu sát là một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người cán bộ đoàn. Nếu không điều tra, nghiên cứu cụ thể thì rất dễ dẫn đến một kế hoạch không đúng. Phải sử dụng bộ máy tổ chức và tự mình trực tiếp nắm tình hình hoặc qua rất nhiều kênh khác nhau để hiểu rõ, hiểu chính xác tình hình.

- Có tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người rằng, kế hoạch 10 phần thì quyết tâm thực hiện phải 30 phần; rằng, quyết tâm không phải là ở hội trường mà là thể hiện bằng hành động thực tế. Trong một ngày, một tháng làm việc, vì nhiều lý do, có khi một số phần việc Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chưa xong thì ngày hôm sau, tháng sau Người quyết tâm làm bù cho bằng xong. Đó là tinh thần kiên cường, kiên trì, kiên quyết, kiên nhẫn. Điều này còn thể hiện ở phong cách làm việc đúng giờ của Người. Nhờ có tác phong này mà nhiều người xung quanh đều thấy lúc nào và ở đâu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng làm chủ tình hình, làm chủ bản thân mình, ở sự thanh thản, thư thái, giờ nào việc ấy, bình tĩnh, không quýnh lên, không bỏ sót công việc, không chọn việc dễ bỏ việc khó. Người vẫn tập thể dục và chơi thể thao hằng ngày, tham gia lao động chân tay sau giờ làm việc bàn giấy, sau giờ họp, không bị sa lầy vào công việc như một số người hay mắc phải do tác phong làm việc không khoa học, do lúc nào cũng thấy bị thiếu thời gian và không có thì giờ đâu mà tập thể dục chơi thể thao, tham quan, du lịch…

- Phải làm việc với phong cách tỷ mỉ, cụ thể, thiết thực, không hình thức và phải chú ý kiểm tra xem công việc tiến hành như thế nào. Phải tránh làm qua loa, đại khái, không kịp thời, “trong lúc thi hành phải theo dõi… khi thi hành xong phải… kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm”[5]. Phải sâu sát, tỷ mỉ, “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… Phải thật thà nhúng tay vào việc”[6].

- Khi tổng kết rút kinh nghiệm thì chú ý không báo cáo sai sự thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê bình cách làm này, cách làm kiểu được ít xuýt ra nhiều, viết ra một bản báo cáo cho oai, nhưng thực ra thì rỗng tuếch. Người cho việc làm đó là dối trá, có tội với cách mạng, là một bệnh rất nguy hiểm.

1.2. Phong cách làm việc dân chủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”[7]. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó, “học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”[8].

Cán bộ không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị. Làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng, sẵn sàng đóng góp sáng kiến. Nói về sức mạnh của dân chủ, Hồ Chí Minh từng nói: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[9]. Nếu người cán bộ không có phong cách dân chủ hoặc “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ” là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”[10].

Vì thế, phong cách làm việc dân chủ của người cán bộ đoàn trước hết là tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc sinh hoạt của tổ chức Đoàn. Người cán bộ chủ trì, chủ tọa các cuộc sinh hoạt của tổ chức Đoàn, luôn phải thực sự dân chủ để phát huy sức mạnh tập thể, khơi dậy và tiếp thu ý kiến đóng góp chính đáng của đoàn viên, thanh niên; khắc phục được một số biểu hiện thờ ơ chính trị của đoàn viên, thanh niên. Phải tôn trọng tập thể, phát huy tinh thần dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, “trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng” [11]. Tự phê bình và phê bình là những hành vi thể hiện phong cách làm việc dân chủ của người cán bộ đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” [12] để đạt mục đích “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi” [13], “mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”[14].

Người cán bộ đoàn học tập phong cách làm việc dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khác với kiểu “ba anh thợ giày bằng một Gia Cát Lượng”. Làm việc dân chủ phải dựa trên tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người; dân chủ phải dựa trên cái nền công khai, minh bạch. Dân chủ đi liền với tự do. Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Cái tất yếu về bản chất là quy luật khách quan. Không thể chấp nhận cái gọi là tự do, dân chủ của người này mà xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ thực sự của người khác. Cũng không thể chấp nhận cái gọi là tự do khi muốn hành động như thế nào là tùy thích và điều đó dẫn tới hành động trái quy luật. Như vậy không có tự do “tuyệt đối” theo kiểu đó, và cũng không thể có dân chủ mà không có những chế định của quy tắc. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “không được nói gàn, nói vòng quanh… chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”[15]. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình những cán bộ không chịu thực hiện tự phê bình và phê bình. Người phê bình khuyết điểm thường thấy là không khuyến khích những người trong tổ chức nói hết ý kiến của họ, dẫn tới tình trạng “đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người làm lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác” [16]. Đó là những lời “gan ruột” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người cán bộ đoàn hoàn toàn có thể vận dụng vào thực tế xây dựng tác phong, lề lối công tác, làm việc của mình.

1.3. Phong cách làm việc gần gũi quần chúng

Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ nói chung phải có phong cách làm việc quần chúng, xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Người khẳng định: nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[17]. Tuy nhiên, phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”, vì theo Hồ Chí Minh, “trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau”[18]. Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Phong cách quần chúng là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Người khẳng định: “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”[19], “dựa vào lực lượng quần chúng, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”[20]. Người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện”[21]. Khi người cán bộ thấm nhuần phong cách quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.

Phong cách làm việc gần gũi quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ mục đích hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và xuất phát từ tư cách của một đảng viên Cộng sản, tư cách của một người cách mạng. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức có cùng mục đích với Đảng nên cũng yêu cầu cán bộ đoàn phải có tác phong, lề lối làm việc gần gũi quần chúng. Cần nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

- “Quần chúng” ở đây được hiểu là nhân dân Việt Nam, phạm vi hẹp trong công tác đoàn là đông đảo thanh thiếu nhi Việt Nam.

- Cán bộ đoàn phải có tác phong, lề lối làm việc gần gũi với mọi người, trước hết với đội ngũ thanh niên nơi mình cư trú và công tác. Có như vậy mới hiểu sâu sát đời sống, tâm tư nguyện vọng của họ, để cùng với toàn Đoàn hoạt động vì lợi ích của thanh thiếu nhi.

- Cán bộ đoàn phải tăng cường nắm bắt tình hình thực tiễn cơ sở. Thực hiện hiệu quả chủ trương “1 + 2”, cán bộ đoàn cấp trung ương và cấp tỉnh 1 năm tối thiểu có 2 tháng công tác tại cơ sở.

2. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, tự chủ, độc lập suy nghĩ, không ngừng sáng tạo

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ làm việc gì cũng phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”[22]. Hết sức tránh chuyện vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực”[23] và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân.

Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người từng nói: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”[24]. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc; không ôm đồm, làm quá nhiều việc, nhiều việc không dứt điểm, không hiệu quả. Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”[25].

Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “Bệnh cận thị - không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”[26]. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn - đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.

Theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì… Người nói: “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế”[27]. Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ, vì “Có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”[28]. Cán bộ lãnh đạo làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể “qua mặt”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tới kinh nghiệm của bản thân và của người khác, nhưng Người cũng lưu ý là không nên có lối suy nghĩ bắt chước theo người khác. Sáng tạo trong tư duy Hồ Chí Minh là ở tinh thần kế thừa những cái tốt của người khác. Một số người cho đó là sự "vượt gộp", tức là gộp tất cả những gì là tốt đẹp, tinh túy đã có trước bản thân mình để vượt lên phía trước nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Điều này đã được nhiều nhà tư tưởng nêu lên từ lâu: thế hệ sau phải biết đứng lên vai những người khổng lồ đi trước thì xã hội mới phát triển được.

Học tập và vận dụng phong cách Hồ Chí Minh vào trong việc xây dựng phong cách làm việc khoa học, tự chủ, độc lập suy nghĩ, không ngừng sáng tạo của cán bộ đoàn, cần chú ý:

- Người cán bộ đoàn muốn xây dựng phong cách suy nghĩ, làm việc tự chủ, độc lập suy nghĩ, sáng tạo, trước hết phải xuất phát từ tình hình thực tế. Tình hình đó thể hiện trên mấy điểm: (1) Tình hình thế giới; (2) Tình hình trong nước; (3) Hoàn cảnh cụ thể của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn nơi mình phụ trách. Mọi suy nghĩ, hành động sáng tạo của người cán bộ đoàn phải đặt trên cái nền vững chắc là hiện thực của cuộc sống. Nếu thoát ly thực tại của cuộc sống thì sự sáng tạo đó trong suy nghĩ và hành động có thể sẽ trở thành viển vông, duy ý chí.

- Suy nghĩ và hành động sáng tạo của người cán bộ đoàn cần đặt trong yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của phong trào thanh niên Việt Nam hiện nay. Điều quan trọng là phải xác định được yêu cầu, nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh hiện nay; cần nhận thức rõ mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tích cực rèn đức luyện tài, lối sống chuẩn mực, giữ vững tính tiên phong, xung kích, tình nguyện… Mọi sự sáng tạo đều không được thoát ly khỏi yêu cầu thực tế của phong trào cách mạng, không được “sai hướng”. Hướng ở đây được hiểu là chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng (các cấp) và nghị quyết của tổ chức Đoàn.

- Sức sáng tạo của mỗi người không phải là cái từ bên ngoài đưa vào, mà chính là phong cách làm việc do chính bản thân người cán bộ đoàn xây dựng nên. Người cán bộ đoàn phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là những tri thức liên quan đến lĩnh vực mà bản thân mình phụ trách, công tác, trong đó có lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng công tác thanh niên; đồng thời, phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tiền bối cách mạng khác.

Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo là vì Người có phẩm chất tốt và năng lực dồi dào, mà biểu hiện ở hai điểm chủ yếu là bản lĩnh cao cường và trí tuệ mẫn tiệp. Có được kết quả đó là do cả một quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã học tập suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi để có một trí tuệ sáng suốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự làm chủ cuộc sống của mình và luôn luôn chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Do đó, Người có được bản lĩnh chính trị vững vàng trong xử lý mối quan hệ đối với những người chung quanh, với công việc và với bản thân mình trong cuộc sống.

3. Tạo lập phong cách diễn đạt gọn, rõ, có căn cứ cụ thể, hấp dẫn

Diễn đạt của con người chủ yếu thông qua ngôn ngữ (nói, viết) và thông qua cả cử chỉ (hành động). Học tập phong cách Hồ Chí Minh, người cán bộ đoàn cần chú ý một số nội dung sau đây:

3.1. Về ngôn ngữ nói và viết

Phải nói và viết bằng ngôn ngữ bình dân để mọi người đều hiểu được, tức là chuyển tải đúng và đầy đủ những thông tin cần đem đến cho mọi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập bốn vấn đề người nói và viết phải xác định thật rõ: nói và viết cái gì; nói và viết cho ai; nói và viết để làm gì; nói và viết như thế nào. Người hay phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ hay nói và viết “tràng giang đại hải”, “giây cà ra giây muống”, “thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe và người xem, không quan tâm họ có hiểu hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếng nói của nhân dân, học tiếng nói của nhân dân, hay dùng ca dao, tục ngữ (trên thế giới nhiều người cho rằng, tục ngữ chính là sự thông thái của nhân dân).

3.2. Về ngôn ngữ “hành động”

Đây là thứ "ngôn ngữ đặc biệt" trong phong cách diễn đạt của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khác với rất nhiều danh nhân khác trên thế giới, Người không để lại nhiều pho sách lớn, những “tập đại thành” gồm những bài nói, bài viết của mình. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chính là một pho sách rất lớn, có thể nói là đồ sộ, biểu đạt toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Cán bộ đoàn cần đề phòng và chống các biểu hiện sai lệch giữa nói và làm như: nói thì nhiều nhưng làm thì ít; nói thì hay nhưng làm thì dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo. Những ai có phong cách này thường gây phản cảm cho những người xung quanh, nếu là người cán bộ thì đặc biệt tai hại.

Nói không đi đôi với làm thực sự là đạo đức giả. Với hành động thường ngày của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn dạy ai cả, cũng không phải là hành động thị phạm. Người làm việc một cách tự nhiên, thật lòng, như hít thở khí trời, không làm ra vẻ ta đây, ra oai, nhưng tự những hành động đó toát lên những thông điệp đến với mọi người. Từ thuở hàn vi đến lúc làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn cho thấy sự mẫu mực trong phong cách làm việc, công tác, cuộc sống sinh hoạt đời thường ăn, mặc, ở…

4. Xây dựng phong cách ứng xử đúng đắn

Phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại dấu ấn đặc biệt sâu sắc cho người cùng thời và các thế hệ người Việt Nam yêu nước về sau. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đến phong cách ứng xử là chúng ta nói đến phong cách ứng xử của một nhà văn hóa kiệt xuất, nhưng rất giản dị, đời thường, dễ học, dễ làm theo.

Người cán bộ đoàn hiện nay học tập phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách ứng xử cần chú ý những nội dung sau:

4.1. Thành tâm, thật lòng

Đây là một điểm đầu tiên đáng chú ý trong phong cách ứng xử mà mọi người nói chung và cán bộ đoàn nói riêng cần học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ứng xử thành tâm, thật lòng với mọi người, bất kể đó là người Việt Nam hoặc người nước ngoài, bất kể người đó thuộc giai tầng nào, giới nào, người có chính kiến như thế nào, người đó có quá khứ hay hiện tại ra sao. Thật tâm, tấm lòng thành - điều này ở Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử với mọi người cũng là điều Người học được từ những người xưa như “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mà bản thân mình không muốn thì đừng có làm cho người khác.

4.2. Yêu quý, tôn trọng con người, có lòng khoan dung

Người cán bộ đoàn học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là học tập sự ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người, là lòng nhân đạo, tính nhân văn, sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp, cuối cùng là để giải phóng con người.

Ứng xử phải dựa trên tình thương yêu, quý trọng con ng­ười tr­ước hết dành cho những ng­ười bị áp bức, bóc lột, những ngư­ời cùng khổ, những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Ở đâu và lúc nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có tình th­ương sâu đậm đối với các cụ già, em nhỏ, đặc biệt có tư tưởng giải phóng phụ nữ, có phong cách ứng xử văn hoá đặc biệt đối với phụ nữ.

Với tư tưởng giải phóng con người, yêu thương con người, khoan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao tiếp, ứng xử với nhiều người trong cuộc sống, và lúc nào cũng vậy, Người để lại ấn tượng sâu đậm. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng giống như quan niệm đúng đắn của các tổ chức xã hội tiến bộ hiện nay trên thế giới, khi cho rằng, phát triển con người là sự phát triển bao gồm tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của mọi cá nhân, từ tình trạng sức khoẻ, tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của con người; rằng, phát triển con người theo những mục tiêu đó, là cái đích cuối cùng, phát triển kinh tế-xã hội chỉ là một phương tiện; rằng, mục tiêu cơ bản của phát triển là tạo ra một môi trường khuyến khích con người được hưởng cuộc sống lâu dài, khoẻ mạnh, hạnh phúc, tự do và sáng tạo. Đó chính là tính toàn diện của sự phát triển. Chính điều này phù hợp với cách tính về chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - kết hợp các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, tuổi thọ, mức sống, chứ không chỉ là sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

5. Xây dựng phong cách nêu gương

Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”[29].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Với cán bộ, đảng viên, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người phê phán những cán bộ “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”[30]. Nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng làm một nẻo. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Vì vậy, cán bộ đoàn cần nêu gương trên ba mối quan hệ: với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.

Trong gia đình, người cán bộ đoàn phải là tấm gương. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người cán bộ đoàn này có thể nêu gương cho người cán bộ đoàn khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ đoàn phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành người có đời tư trong sáng, làm tấm gương giúp đoàn viên, thanh niên nhìn vào đó mà noi theo, qua đó mà làm tăng thêm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Trong công việc, cán bộ đoàn phải luôn luôn nêu gương về tinh thần phục vụ thanh thiếu nhi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm phục vụ nhân dân từ một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ra mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Vì vậy mà cán bộ đoàn phải xông xáo, nhiệt tình, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, sâu sát cơ sở và dám chịu trách nhiệm cả về lời nói và việc làm.

Tóm lại, cán bộ đoàn cần học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ được phong cách sinh hoạt giản dị, lành mạnh, trong sạch, vì nước, vì dân, không vụ lợi, chịu đựng gian khó vì nghĩa lớn, vì cái chung của mọi người. Thiết thực nhất là làm chủ mọi hành vi của bản thân trong mọi công việc, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, cán bộ đoàn sẽ tránh được sự sa ngã, cám giỗ của vật chất, quyền lực, tư lợi, biết cái đủ và biết điểm dừng, không rơi vào chủ nghĩa cá nhân./.

 

CHUYÊN ĐỀ 2

THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Phần thứ nhất

TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG MẪU MỰC HỒ CHÍ MINH

VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc, cho tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động lý luận và thực tiễn rất phong phú, Người để lại tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi soi đường chúng ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong kho tàng ấy, những luận điểm của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa có giá trị khoa học, vừa có giá trị thực tiễn và nhân văn sâu sắc, thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang trở thành một trong những yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng, tiêu chuẩn không thể thiếu mà mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên phải rèn luyện, thực hiện trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

1. Một số điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, thực hành tiết kiệm

Trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011), chữ “kiệm” xuất hiện 801 lần, “tiết kiệm” có 595 lần và “thực hành tiết kiệm” là 245 lần. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm thể hiện qua các bài viết, bài nói chuyện và ngay chính phong cách của Người, tập trung ở một số điểm chủ yếu sau đây:

1.1. Bản chất của tiết kiệm

Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”[31]. Người tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất, theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”[32].

Thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, càng không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Bởi vậy, “nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”[33].

1.2. Mục đích tiết kiệm

Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước, góp phần nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Người căn dặn: “Chúng ta phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm, đầy đủ cho mọi người”[34]. Bởi vậy, nếu khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian thì với sức lao động, tiền tài của đất nước có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng mọi mặt của đất nước cũng tăng gấp bội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì theo Người, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”[35].

1.3. Nội dung tiết kiệm

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm nhiều nội dung và ở mọi thời điểm, tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm.

Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2,3 người”.

Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác. Vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”, “một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt , là người ngu dại”[36]. Người căn dặn: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[37].

Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Nhưng “khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”[38].

Ngoài tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của thì trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện một số nội dung khác, như tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói…, cụ thể là:

Tiết kiệm sức dân, “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”[39]. Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Người viết: “Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh” nên “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”[40].

Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”[41]. Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”[42].

1.4. Ai cần phải tiết kiệm

Tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm, trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp, cán bộ, đảng viên phải làm gương đi tiên phong. Người viết: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”[43]. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong cơ quan, đơn vị, vị trí công tác của mình. Tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hành kiệm cho phù hợp. Người căn dặn: “muốn vít kín các lỗ thủng, các kẽ hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán”[44], tất cả mọi người đều phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

1.5. Cách thức thực hành tiết kiệm

Theo Người, “thực hành tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất”[45]. Muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí. Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi “đánh trống bỏ dùi” để tránh sự “nhờn thuốc” và làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ.

Mỗi người cần phải thường xuyên tiến hành tự kiểm điểm công tác thực hành tiết kiệm của mình trên tinh thần tự giác, phải dựa vào quần chúng và phải phát động phong trào thi đua của quần chúng về tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân và tập thể; nghiêm khắc kỷ luật những kẻ không chịu sửa lỗi dù đã bị nhắc nhở, khen thưởng những người làm tốt và khuyến khích những người đang cố gắng làm tốt.

Tích cực tuyên truyền giải thích để cho mọi người hiểu rõ lợi ích của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người, khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Do vậy, “người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”[46].

2. Một số điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí

Trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập, Nxb CTQG, HN, 2011), chữ “lãng phí”xuất hiện 334 lần, chữ “chống lãng phí” có 35 lần. Đặc biệt, Người có cả bài viết chuyên sâu vê “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống lãng phí thể hiện ở một số điểm chính sau đây:

2.1. Các hình thức lãng phí cần phải chống:

+ Lãng phí sức lao động. Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, nên sinh ra lãng phí sức lao động. Người chỉ rõ, trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo.

+ Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Người chỉ ra thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.

+ Lãng phí tiền của nhà nước, cơ quan, của cá nhân. Biểu hiện ở nhiều mặt: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm. Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý. Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để. Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng. Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn. Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất. Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn. Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm. Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma...[47].

2.2. Nguyên nhân của lãng phí:

“Do quan liêu, thiếu trách nhiệm”, do “lập kế hoạch không chu đáo”, do “tính toán không cẩn thận”, hoặc “vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào liên hoan, nào “báo chí”, nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước…”[48].

2.3. Tác hại của lãng phí:

“Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng lại rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô”[49]. “Để lãng phí như gió vào nhà trống, tham ô có tội, lãng phí cũng có tội, nhân dân giao tiền của cho mình, để lãng phí là có tội với nhân dân”[50]. Bởi vậy, phải tích cực chống lãng phí. “Mọi ngành, mọi người, mọi tổ phải ra sức thi đua… Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí”[51].

Theo Hồ Chí Minh, lãng phí cùng với tham ô và bệnh quan liêu là “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”[52].

2.4. Tầm quan trọng của chống lãng phí: Theo Người, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”[53].

3. Tấm gương mẫu mực Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiện, chống lãng phí

Hồ Chí Minh không chỉ bàn luận về tiết kiệm, lãng phí dưới góc độ lý luận mà chính bản thân Người đã là tấm gương mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tư tưởng của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống thanh cao của một danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày, ai cũng có thể học tập, làm theo được. Người coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một phẩm chất đạo đức cần phải có của người cách mạng, là điều kiện bắt buộc trong thực thi đời sống mới và cũng là một yêu cầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”[54].

Tấm gương mẫu mực Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí biểu hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc và trong sinh hoạt hàng này. Dưới đây là một số nội dung chính:

3.1. Tiết kiệm trong đời sống cá nhân để sử dụng cái tiết đó phục vụ tổ chức, đoàn thể, cách mạng.

Người sống một đời sống vật chất giản dị, đạm bạc và chỉ sử dụng cho mình những vật dụng tối cần thiết. Ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay lao động, làm nhiều nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng, Người đã tranh thủ thời gian để đi đến nhiều nơi, học tập nhiều điều, tìm ra con đường cứu nước. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù trong chiến tranh ở chiến khu hay trong hoà bình tại Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống giản dị, tiết kiệm như một lẽ tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày. Người dành khoản tiết kiệm cá nhân để dùng cho hoạt động của tổ chức, đoàn thể, cách mạng.

3.2. Tiết kiệm tiền của, thời gian của nhà nước, của cán bộ, nhân dân.

Cả cụôc đời Bác sống giản dị, tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân. Đã có biết bao câu chuyện cảm động về tấm gương mẫu mực đó, từ những việc nhỏ như sử dụng chiếc phong bì vài lần, đi đôi dép lốp đã cũ, mặc chiếc áo đã sờn vai…, đến chiếc ô tô, ngôi nhà sàn… Để tiết kiệm thời gian của cán bộ nhân dân, Người chủ động đến dự lớp học, thăm cán bộ, nhân dân, chiến sỹ rất đúng giờ. Những câu chuyện cảm động như Bác đội mưa đến dự Hội nghị đúng giờ để nhiều người không phải chờ đợi; Bác chủ động đến chúc Tết cán bộ Hà Nội khi đoàn đang chuẩn bị đến chúc Tết Bác nhưng chưa đi được vì gặp cơn mưa bất chợt… Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người dặn: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức phúng biếu linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

3.3. Quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bác viết nhiều tài liệu để giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người kêu gọi trong mọi hành động, mọi lĩnh vực và mỗi người đều phải tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt yêu cầu phải triệt để tiết kiệm của công vì đó là mồ hôi, công sức của dân, xương máu của bộ đội, chiến sĩ… Người yêu cầu phải tiết kiệm thời gian, giảm họp hành, họp phải đúng giờ. Những câu chuyện kể về lời nhắc nhở của Bác đối với một vị tướng chủ trì hội nghị đến chậm 5 phút, phải nhân 5 phút đến chậm đó với 500 người chờ đợi.

Khi phê bình một số địa phương chưa thực hành tiết kiệm, Bác nói: Trung ương thường nhắc nhở các địa phương phải ra sức sản xuất và tiết kiệm. Nhiều nơi đã thực hiện tốt. Nhưng có nơi, giấy gửi đi, hình như chữ bị hao mòn, chữ “tiết kiệm” lại hoá ra chữ “tiết canh”. Rồi Bác đưa ra dẫn chứng đọc từ Báo Hải Phòng: vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Mỹ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xẩy ra. Khánh thành trạm bơm cũng giết 2 con lợn. Hợp tác xã tổng kết giết 4 con lợn, ăn cơm tập đoàn cũng giết 1 con lợn...[55].

3.4. Kêu gọi mọi người thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xây dựng đất nước.

Hồ Chí Minh cho rằng, yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực chống lãng phí để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về phần mình, Người tiết kiệm để giành cho nhân dân, gương mẫu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân làm theo. Mỗi tuần nhịn ăn 1 bữa để giành gạo cho dân đang đói; dùng tiền tiết kiệm được của riêng mình để giành tặng bộ đội. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Bác yêu cầu thư ký rút tiền tiết kiệm của Bác (trị giá khoảng 60 cây vàng) để mua nước ngọt gửi cho bộ đội trực chiến trên các chiến trường miền Bắc.

Tấm gương đạo đức sống trong sạch, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là mẫu mực cho mọi người Việt Nam học tập, làm theo mà còn được báo chí nước ngoài, bạn bè quốc tế nhiều lần nhắc đến, mến phục.

Phần thứ hai

THANH NIÊN VIỆT NAM THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Từ tháng 2-1955, trong bài viết “Bảo vệ tài sản công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động”[56]. Như vậy, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đối với thanh niên không chỉ là một yêu cầu cần được giáo dục mà còn phải rèn luyện để tạo thành thói quen trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, có rất nhiều thanh niên thực hiện tốt lời Bác dạy về tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vẫn còn những thanh niên thực hiện chưa tốt, đang còn lãng phí thời gian, sức khỏe, tài năng… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 217/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 02 năm 2018 về việc ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.

Thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề nhất khi cách mạng giao phó. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[57]. Do vậy, thanh niên càng phải là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình hiện nay, thanh niên cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực sau đây:

1. Tích cực học tập tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Có thể nói, hiện nay thanh niên là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi vì kết quả học tập và làm theo Bác của thanh niên có tác động to lớn đến tương lai đất nước và ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ tiếp theo. Thanh niên cần được trang bị thế giới quan duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận biện chứng, nhận thức đúng về vai trò của mình để có tư tưởng, hành động cách mạng tiến công, từng bước hình thành, hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, thanh niên không chỉ tìm hiểu những bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí mà cần sưu tầm, ghi nhớ những câu chuyện cảm động, mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác và sinh hoạt đời thường của Người.

Từ những vấn đề lý thuyết và tấm gương thực tế sinh động của Hồ Chí Minh để thanh niên tự soi mình, sửa mình và rèn luyện, tạo được thói quen cho bản thân làm theo lời Bác dạy, phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cho người khác học theo, làm theo, làm gương sáng dìu dắt thiếu niên nhi đồng, tức là dìu dắt tương lai của dân tộc. Như Người từng viết: “thanh niên nói chung phải gương mẫu trong sản xuất, trong học tập, trong việc giữ vững kỷ luật và cải thiện đời sống của công nhân”[58].

2. Chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý chí quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh thiếu nhi.

Thanh niên không chỉ có nhiệm vụ tích cực học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà cần phải tích cực tuyên truyền nhằm làm cho nhiều người trong xã hội, trước hết là những người xung quanh mình có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích to lớn  của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tác hại của lãng phí đối với bản thân, gia đình và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy mọi người tích cực hơn trong học tập và làm theo Bác.

Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi trước để thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời là lực lượng dìu dắt thiếu niên, nhi đồng. Trong mọi công việc, thanh niên luôn thi đua thực hiện khẩu hiệu: ““Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”[59]. Bởi vậy, mọi việc làm, hành động của thanh niên đều có tác động lớn đến tình hình đất nước, tạo ảnh hưởng rộng trong xã hội. Mỗi khi thanh niên tích cực thực hành tiết kiệm, đồng thời tuyên truyền tinh thần đó cho xã hội, đặc biệt là đối với tầng lớp thiếu nhiên nhi đồng, càng có ý nghĩa lớn lao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Thanh niên cần tập trung tuyên truyền học tập tấm gương Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua những mẩu chuyện, những lời dạy của Người. Chú ý phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình thanh thiếu nhi hoặc các cơ sở Đoàn, Hội, Đội có những ý tưởng, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Muốn việc làm đó có hiệu quả, thanh niên cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức như: các buổi sinh hoạt chính thức hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các buổi dã ngoại, hoạt động vui chơi giải trí, sử dụng bản tin, sổ tay chi đoàn. Tổ chức giao lưu, giới thiệu, tuyên dương các gương sáng điển hình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp bộ đoàn chủ động xây dựng hệ thống mẫu băng rôn, áp phích, tranh ảnh, đồ họa thông tin, đoạn phim ngắn… và phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, cổ động trực quan cho đoàn viên, thanh thiếu nhi nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên một hệ thống gồm nhiều tấm gương điển hình thanh thiếu niên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cống hiến tích cực cho xã hội, đất nước và gia đình.

3. Tích cực rèn luyện các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, tạo lập các phong trào thi đua sôi nổi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh niên.

“Cần, kiệm, liêm, chính”, vốn dĩ là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người đã dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”[60]. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Có kiệm thì mới có liêm, có liêm thì mới có chính. Kiệm là tiền đề, điều kiện để con người vươn tới liêm và chính. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh mềm - sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Do đó, thanh niên muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần phải đặt nó trong chuỗi các phẩm chất mới tạo nên tính hiệu quả thiết thực, trọn vẹn.

Thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào của Đoàn, Hội, các hoạt động xã hội, xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong từng hành động, việc làm cụ thể, “tuy việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”. Để mỗi thanh niên tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả hoạt động của Đoàn, Hội, Đội cần phát động các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực. Coi đây là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của thanh niên và lấy kết quả đó làm một tiêu chí đánh giá, xếp loại, khen thưởng đoàn viên hằng năm.

Cá nhân thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào thi đua lớn. Vận động các cơ sở đoàn, đoàn viên thanh niên trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp đi đầu thực hành tiết kiệm, làm gương cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia. Thực hiện chi tiêu tiết kiệm văn phòng phẩm, vật dụng văn phòng, chi phí điện, nước, đèn, quạt, máy lạnh, điện thoại… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tiết kiệm, chi đúng thực tế. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên hàng đầu sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, không đua đòi, xa hoa lãng phí. Các cơ sở đoàn mạnh dạn đăng kí thực hiện thí điểm cuộc vận động, thi đua trong đoàn viên, thanh niên ý thức đi làm, đi học, hội họp, sinh hoạt đúng giờ; rèn luyện tác phong công nghiệp, dùng thời gian rỗi vào việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, giảm thời gian “tán gẫu” trên mạng xã hội.

4. Gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức Đoàn, Hội.

Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt trong tổ chức, cơ quan, đon vị cụ thể mà mỗi thanh niên cần có trách nhiệm, việc làm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp. Nhưng nhất thiết phải luôn đề cao ý thức bảo vệ của công, coi trọng lao động, có ý thức công cộng tốt, gương mẫu trong cơ quan, đơn vị, địa phương, chi đoàn, chi hội...

Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, học tập kiến thức, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… chính là một cách thực hành thức tiết kiệm, chống lãng phí thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội… Bên cạnh đó, cần có việc làm thiết thực gắn với mỗi ngày đến trường như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện, nước cho nhà trường, không viết vẽ bậy trên bàn ghế, trên tường, không xả rác bừa bãi trong lớp học, không bẻ gãy cây xanh, dẫm đạp lên cỏ cây trong khuôn viên của nhà trường…

Đối với thanh niên công chức, viên chức, việc thực hiện tốt chuyên môn theo chức trách là nhiệm vụ chủ yếu, cần phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa. thời gian vào việc có ích. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực như: không đi muộn về sớm; hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tiến độ; tiết kiệm giấy mực cho cơ quan; sử dụng điện nước một cách hợp lý… Thực hiện chi tiêu, kiểm tra sổ sách rõ ràng, tránh tổ chức hoạt động lãng phí, không hiệu quả.

Đối với thanh niên lực lượng vũ trang, biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm; tích cực rèn luyện, phấn đấu, quyết tâm bảo vệ biên cương, Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân, đồng bào nơi đóng quân…

Đối với thanh niên nông thôn cần chăm chỉ làm việc, không bỏ hoang ruộng đất, hạn chế các hoạt động đàn đúm, rượu chè, đình đám, tích cực thực hiện và vận động người thân thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, giảm bớt hủ tục ở địa phương; tranh thủ thời gian rãnh rỗi sau thời điểm mùa vụ để tìm kiếm thêm việc làm tăng thu nhập, hoặc học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất; tích cực sáng tạo trong lao động, sản xuất để ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động nông nghiệp…

Đối với thanh niên công nhân cần có ý thức tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu cho nhà máy, xí nghiệp nơi mình làm việc, có nhiều việc làm hữu ích cho doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho công ty, xí nghiệp bằng những việc làm thiết thực như: thực hiện tốt nội quy, hoàn thành công việc đảm bảo tiến độ, không bỏ việc tùy tiện, bảo vệ tài sản máy móc công xưởng; thường xuyên cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, năng suất lao động…

Đối với doanh nhân trẻ, cùng với việc học tập kiến thức trên lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ngân hành, luật kinh tế, kinh tế quốc tế… là những đòi hỏi để khởi nghiệp và xây dựng thành công doanh nghiệp thì cũng cần có kế hoạch giáo dục cho thanh niên trong công ty thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi tiết kiệm cho công ty cũng là tiết kiện của bản thân và xã hội.

5. Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, sử dụng thời gian hợp lý, nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi sinh hoạt cá nhân và ở nơi công cộng

Thanh niên biết cách lập kế hoạch làm việc một cách khoa học, có tính chủ động, sáng tạo cũng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó chính là cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử. Độc lập thì không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc, sẵn sang từ bỏ những gì mà thực tiễn kiểm nghiệm là sai hoặc là những cái cũ mà nay không còn phù hợp nữa để tiến tới đề xuất cái mới đáp ứng được thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.

Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt. Trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều. Người dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”[61]. “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”[62].

Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống… Hiện nay, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. Tránh quán sá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao. Có nhiều thanh niên mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân. Phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.

Thanh niên nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng để sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó đang triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng và phát triển vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, đồng bằng và vùng núi… nên đang rất cần huy động sức mạnh xung kích, tình nguyện, sáng tạo, tiết kiệm ở thanh niên. Do vậy, việc thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng có ý nghĩa thiết thực. Đó cũng là một mục tiêu phấn đấu để thanh niên thi đua cống hiến, rèn luyện, thử thách, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó./.


[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, HN, 2001.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.68.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.356.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.233.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.233-234.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.149.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.325.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.637.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.283.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.326.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.336.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.288.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.149.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.241.

[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.332.

[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.463.

[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.123.

[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.463.

[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 297.

[27] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28.

[28] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.636.

[29] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.171.

[30] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.327.

[31] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.122.

[32] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.124.

[33] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.352.

[34] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.467.

[35] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.128.

[36] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.123.

[37] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr.122.

[38] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.123

[39] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr.70.

[40] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.334-335; tập 4, tr.229.

[41] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr.457.

[42] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQGQG, HN, 1996, tập 10, tr.139.

[43] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.16.

[44] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.467.

[45] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.491.

[46] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.125.

[47] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.356-357.

[48] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr.416.

[49] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.357.

[50] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr.496.

[51] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr.531.

[52] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.357

[53] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.358.

[54] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr.110.

[55] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 115, tr.281.

[56] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 9, tr.928.

[57] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.35.

[58] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr.518

[59] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr.471.

[60] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr.117

[61] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr.342

[62] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr.346