TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 7/2018

CHUYÊN ĐỀ

THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

(Tài liệu dành cho đoàn viên, thanh niên năm 2018,ban hành kèm theo

Công văn số 724 -CV/TWĐTN-BTG, ngày 14/5/2018

của Ban Bí thư Trung ương Đoàn)

 

THANH NIÊN VIỆT NAM THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Từ tháng 2-1955, trong bài viết “Bảo vệ tài sản công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động” . Như vậy, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đối với thanh niên không chỉ là một yêu cầu cần được giáo dục mà còn phải rèn luyện để tạo thành thói quen trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, có rất nhiều thanh niên thực hiện tốt lời Bác dạy về tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vẫn còn những thanh niên thực hiện chưa tốt, đang còn lãng phí thời gian, sức khỏe, tài năng… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 217/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 02 năm 2018 về việc ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.

Thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề nhất khi cách mạng giao phó. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” . Do vậy, thanh niên càng phải là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình hiện nay, thanh niên cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực sau đây:

1. Tích cực học tập tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Có thể nói, hiện nay thanh niên là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi vì kết quả học tập và làm theo Bác của thanh niên có tác động to lớn đến tương lai đất nước và ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ tiếp theo. Thanh niên cần được trang bị thế giới quan duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận biện chứng, nhận thức đúng về vai trò của mình để có tư tưởng, hành động cách mạng tiến công, từng bước hình thành, hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, thanh niên không chỉ tìm hiểu những bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí mà cần sưu tầm, ghi nhớ những câu chuyện cảm động, mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác và sinh hoạt đời thường của Người.

Từ những vấn đề lý thuyết và tấm gương thực tế sinh động của Hồ Chí Minh để thanh niên tự soi mình, sửa mình và rèn luyện, tạo được thói quen cho bản thân làm theo lời Bác dạy, phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cho người khác học theo, làm theo, làm gương sáng dìu dắt thiếu niên nhi đồng, tức là dìu dắt tương lai của dân tộc. Như Người từng viết: “thanh niên nói chung phải gương mẫu trong sản xuất, trong học tập, trong việc giữ vững kỷ luật và cải thiện đời sống của công nhân” .

2. Chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý chí quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh thiếu nhi.

Thanh niên không chỉ có nhiệm vụ tích cực học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà cần phải tích cực tuyên truyền nhằm làm cho nhiều người trong xã hội, trước hết là những người xung quanh mình có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích to lớn  của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tác hại của lãng phí đối với bản thân, gia đình và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy mọi người tích cực hơn trong học tập và làm theo Bác.

Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi trước để thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời là lực lượng dìu dắt thiếu niên, nhi đồng. Trong mọi công việc, thanh niên luôn thi đua thực hiện khẩu hiệu: ““Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người” . Bởi vậy, mọi việc làm, hành động của thanh niên đều có tác động lớn đến tình hình đất nước, tạo ảnh hưởng rộng trong xã hội. Mỗi khi thanh niên tích cực thực hành tiết kiệm, đồng thời tuyên truyền tinh thần đó cho xã hội, đặc biệt là đối với tầng lớp thiếu nhiên nhi đồng, càng có ý nghĩa lớn lao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Thanh niên cần tập trung tuyên truyền học tập tấm gương Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua những mẩu chuyện, những lời dạy của Người.         Chú ý phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình thanh thiếu nhi hoặc các cơ sở Đoàn, Hội, Đội có những ý tưởng, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Muốn việc làm đó có hiệu quả, thanh niên cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức như: các buổi sinh hoạt chính thức hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, các buổi dã ngoại, hoạt động vui chơi giải trí, sử dụng bản tin, sổ tay chi đoàn. Tổ chức giao lưu, giới thiệu, tuyên dương các gương sáng điển hình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp bộ đoàn chủ động xây dựng hệ thống mẫu băng rôn, áp phích, tranh ảnh, đồ họa thông tin, đoạn phim ngắn… và phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, cổ động trực quan cho đoàn viên, thanh thiếu nhi nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên một hệ thống gồm nhiều tấm gương điển hình thanh thiếu niên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cống hiến tích cực cho xã hội, đất nước và gia đình.

3. Tích cực rèn luyện các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, tạo lập các phong trào thi đua sôi nổi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thanh niên.

“Cần, kiệm, liêm, chính”, vốn dĩ là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người đã dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người” . Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Có kiệm thì mới có liêm, có liêm thì mới có chính. Kiệm là tiền đề, điều kiện để con người vươn tới liêm và chính. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh mềm - sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Do đó, thanh niên muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần phải đặt nó trong chuỗi các phẩm chất mới tạo nên tính hiệu quả thiết thực, trọn vẹn.

Thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào của Đoàn, Hội, các hoạt động xã hội, xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong từng hành động, việc làm cụ thể, “tuy việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”. Để mỗi thanh niên tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả hoạt động của Đoàn, Hội, Đội cần phát động các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực. Coi đây là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của thanh niên và lấy kết quả đó làm một tiêu chí đánh giá, xếp loại, khen thưởng đoàn viên hằng năm.

Cá nhân thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào thi đua lớn. Vận động các cơ sở đoàn, đoàn viên thanh niên trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp đi đầu thực hành tiết kiệm, làm gương cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia. Thực hiện chi tiêu tiết kiệm văn phòng phẩm, vật dụng văn phòng, chi phí điện, nước, đèn, quạt, máy lạnh, điện thoại… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tiết kiệm, chi đúng thực tế. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên hàng đầu sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, không đua đòi, xa hoa lãng phí. Các cơ sở đoàn mạnh dạn đăng kí thực hiện thí điểm cuộc vận động, thi đua trong đoàn viên, thanh niên ý thức đi làm, đi học, hội họp, sinh hoạt đúng giờ; rèn luyện tác phong công nghiệp, dùng thời gian rỗi vào việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, giảm thời gian “tán gẫu” trên mạng xã hội.

4. Gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức Đoàn, Hội.

Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt trong tổ chức, cơ quan, đon vị cụ thể mà mỗi thanh niên cần có trách nhiệm, việc làm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp. Nhưng nhất thiết phải luôn đề cao ý thức bảo vệ của công, coi trọng lao động, có ý thức công cộng tốt, gương mẫu trong cơ quan, đơn vị, địa phương, chi đoàn, chi hội...

Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, học tập kiến thức, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… chính là một cách thực hành thức tiết kiệm, chống lãng phí thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội… Bên cạnh đó, cần có việc làm thiết thực gắn với mỗi ngày đến trường như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện, nước cho nhà trường, không viết vẽ bậy trên bàn ghế, trên tường, không xả rác bừa bãi trong lớp học, không bẻ gãy cây xanh, dẫm đạp lên cỏ cây trong khuôn viên của nhà trường…

Đối với thanh niên công chức, viên chức, việc thực hiện tốt chuyên môn theo chức trách là nhiệm vụ chủ yếu, cần phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa. thời gian vào việc có ích. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực như: không đi muộn về sớm; hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tiến độ; tiết kiệm giấy mực cho cơ quan; sử dụng điện nước một cách hợp lý… Thực hiện chi tiêu, kiểm tra sổ sách rõ ràng, tránh tổ chức hoạt động lãng phí, không hiệu quả.

Đối với thanh niên lực lượng vũ trang, biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm; tích cực rèn luyện, phấn đấu, quyết tâm bảo vệ biên cương, Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân, đồng bào nơi đóng quân…

Đối với thanh niên nông thôn cần chăm chỉ làm việc, không bỏ hoang ruộng đất, hạn chế các hoạt động đàn đúm, rượu chè, đình đám, tích cực thực hiện và vận động người thân thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, giảm bớt hủ tục ở địa phương; tranh thủ thời gian rãnh rỗi sau thời điểm mùa vụ để tìm kiếm thêm việc làm tăng thu nhập, hoặc học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất; tích cực sáng tạo trong lao động, sản xuất để ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động nông nghiệp…

Đối với thanh niên công nhân cần có ý thức tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu cho nhà máy, xí nghiệp nơi mình làm việc, có nhiều việc làm hữu ích cho doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho công ty, xí nghiệp bằng những việc làm thiết thực như: thực hiện tốt nội quy, hoàn thành công việc đảm bảo tiến độ, không bỏ việc tùy tiện, bảo vệ tài sản máy móc công xưởng; thường xuyên cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, năng suất lao động…

Đối với doanh nhân trẻ, cùng với việc học tập kiến thức trên lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ngân hành, luật kinh tế, kinh tế quốc tế… là những đòi hỏi để khởi nghiệp và xây dựng thành công doanh nghiệp thì cũng cần có kế hoạch giáo dục cho thanh niên trong công ty thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi tiết kiệm cho công ty cũng là tiết kiện của bản thân và xã hội.

5. Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, sử dụng thời gian hợp lý, nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi sinh hoạt cá nhân và ở nơi công cộng

Thanh niên biết cách lập kế hoạch làm việc một cách khoa học, có tính chủ động, sáng tạo cũng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó chính là cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử. Độc lập thì không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc, sẵn sang từ bỏ những gì mà thực tiễn kiểm nghiệm là sai hoặc là những cái cũ mà nay không còn phù hợp nữa để tiến tới đề xuất cái mới đáp ứng được thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.

Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt. Trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều. Người dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” . “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói” .

Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống… Hiện nay, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. Tránh quán sá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao. Có nhiều thanh niên mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền quá khả năng tài chính của bản thân. Phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp.

Thanh niên nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng để sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó đang triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng và phát triển vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, đồng bằng và vùng núi… nên đang rất cần huy động sức mạnh xung kích, tình nguyện, sáng tạo, tiết kiệm ở thanh niên. Do vậy, việc thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng có ý nghĩa thiết thực. Đó cũng là một mục tiêu phấn đấu để thanh niên thi đua cống hiến, rèn luyện, thử thách, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó./.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn

--------------

BÁC HỒ VỚI THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ

“Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”.

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình, ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được Nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Sinh thời là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo Nhân dân ta kháng chiến và kiến quốc, nhưng hàng năm cứ đến ngày 27 tháng 7, “Ngày Thương binh, liệt sĩ” Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, ai cũng cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ.

Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, Bác viết:

“Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến.

Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

Cách đây 70 năm, trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, 17/7/1947, Bác nói về ý nghĩa cao cả của ngày 27 tháng 7. Đó là “Một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Bác là người đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” với những việc làm rất cụ thể. Bác khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh, v.v..

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội
(ngày 11-2-1956).

Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Chính Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127.00đ).

Đặc biệt, nhân ngày 27 tháng 7 hàng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.

Tháng 9/1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không?

Câu chuyện chiếc điều hoà nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Người.

Một lần Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động.

Chiếc điều hoà nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang Nhà sàn).

Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ:

“Chiếc máy điều hoà nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”.

Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hoà nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.

Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.

Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu.

Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang Nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ngày nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh và liệt sĩ. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa, như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ, v.v..

Việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi.

Nguồn: Trang tin điện tử Bảo tàng Hồ Chí Minh

---------------------

ĐỊA CHỈ ĐỎ TẠI BẾN TRE

* Nhà thờ liệt sĩ Lê Trung Kiên

Ngày 13-7-2017, tại nhà liệt sĩ Lê Trung Kiên, ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, 67 năm Ngày truyền thống TNXP Việt Nam 15-7 và bàn giao nhà thờ liệt sĩ Lê Trung Kiên - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến dự có ông Trương Vĩnh Trọng - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, ông Trần Văn Mãnh - nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam, Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Nhà thờ liệt sĩ Lê Trung Kiên có diện tích 69m2, kinh phí xây dựng 128 triệu đồng, trong đó Công ty cổ phần Pusco hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp. Đây là công trình do Hội Cựu TNXP tỉnh phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Huyện Đoàn Giồng Trôm tiến hành xây dựng và bàn giao, nhằm tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của liệt sĩ Lê Trung Kiên, tấm gương “quên mình phục vụ - anh dũng hy sinh - lập công vẻ vang” của Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.

-------------------

THEO DÒNG LỊCH SỬ

  • Ø 2-7-1976: Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Ø 11-7: Ngày Dân số thế giới.
  • Ø 15-7-1950: Ngày truyền thống thanh niên xung phong.
  • Ø 17-7-1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
  • Ø 20-7-1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ.
  • Ø 24-7-1968: Ngày Chiến thắng Đồng Lộc.
  • Ø 27-7-1947: Ngày thương binh, liệt sĩ Việt Nam.
  • Ø 28-7-1929: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

--------------------

15/7/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG

“Thanh niên xung phong là một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng mở đầu cuộc cách mạng tháng tám vĩ đại năm 1945.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng thanh niên xung phong nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã góp phần cống hiến quý báo vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam”.

(Phạm Văn Đồng – trích trong tập sách “Thanh niên xung phong- những trang oanh liệt”-NXB, Thanh niên, 1996)

Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung Ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn thanh vận Trung Ương quyết định thành lập đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên Giới. Ban chỉ huy lâm thời của đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, uỷ viên ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc là đội trưởng và bí thư chi bộ. Đội có 225 đội viên đầu tiên, được tổ chức thành 3 liên đội.

Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:

•   Đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương (15/7/1950)

•   Đội thanh niên xung phong (26/3/1953)

•   Đoàn thanh niên xung phong Trung Ương (12/1963)

•   Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)

•   Lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)

•   Ban thanh niên xung phong – Lao động trẻ (3/1986)

“ Trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lực lượng thanh niên xung phong đã phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội như tham gia vào các chương trình, dự án: phủ xanh đất trồng trọt, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mắt nước, bãi bồi ven biển, ánh sáng văn hoá, dạy nghề, giới thiệu việc làm…. với ý chí và nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắc làm nên.”(Phạm Văn Đồng).

Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Uỷ Ban Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 382/TTG quy định lấy ngày 15/5 hàng năm làm ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.

Nhân dịp này, ban chấp hành Trung Ương Đảng đã tặng lực lượng thanh niên xung phong bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm – Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc”.

 

24/7/1968: NGÀY CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.

Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.

 

Khu tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Hà-TTXVN

 

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.

Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.

Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần-24 tuổi, làm tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua.

Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái.  Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.

Du khách thập phương về dâng hương tại khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ.

Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người - đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng của ước mơ, hoài bão. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.

Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Nơi đó, 10 cô gái đã hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước.

Tuyến đường vào Nam những năm đó, giờ đã thênh thang rộng mở. Cả một vùng Ngã ba Đồng Lộc đã xanh tươi. Từ cầu Sông Nghẽn đi lên vùng cung đường ngã ba là cả một vùng lúa Đại Lộc, Tiến Lộc, Thanh Lộc, Đồng Lộc… xanh mướt.

Để có được những cánh đồng trải đầy màu xanh của ngày hôm nay, các chiến sĩ đã phải đánh đổi bằng màu đỏ của máu, bằng cả tuổi thanh xuân. Tổ quốc mãi ghi công những người con gái Thanh niên xung phong!

 

Để ghi sâu tội ác và ghi lại chiến tích anh hùng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tiểu đội 10 cô gái. Và Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

27-7-1947: NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

 

Cách mạng tháng tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội….. mở đường cho việc xâm lược cả nước ta.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bênh binh một cách tận tình chu đáo.

Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là hội trưởng danh dự của hội.

Ngày 28/5/1946, “hội giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ chủ tịch đã đến dự. Ngày 7/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, tại đây Hồ chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung Ương hội phụ nữ cứu quốc, Trung Ương đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính Trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung Ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ – ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.

Nguồn: lichsuvietnam.vn

-----------------------

CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH MỚI

Trong tài liệu sinh hoạt chi đoàn số tháng 7/2018, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin chuyển thuê bao 11 số sang 10 số theo Quyết định 798/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về Kế hoạch chuyển đổi mã mạng của các thuê bao di động mặt đất từ 11 chữ số sang 10 chữ số đang sử dụng tại 21 mã mạng của 05 nhà mạng, cụ thể như sau:

- Đối với MobiFone: Mã mạng cũ (120, 121, 122, 126, 128) chuyển thành mã mạng mới (70, 79, 77, 76, 78);

- Đối với VinaPhone: Mã mạng cũ (123, 124, 125, 127, 129) chuyển thành mã mạng mới (83, 84, 85, 81, 82);

- Đối với Viettel: Mã mạng cũ (162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169) chuyển thành mã mạng mới (32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39);

- Đối với Vietnamobile: Mã mạng cũ (186, 188) chuyển thành mã mạng mới (56, 58);

- Đối với Gmobile: Mã mạng cũ (199) chuyển thành mã mạng mới (59).

Để giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra khi thực hiện, việc chuyển đổi sẽ tiến hành:

- Quay số song song trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi;

- Duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 90 ngày, kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song;

- Kết thúc duy trì âm thông báo: cuộc gọi chỉ thực hiện thành công khi quay số theo mã mạng mới.

Thời gian bắt đầu thực hiện chuyển đổi vào 00 giờ 00 phút ngày 15/9/2018 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 30/6/2019.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

------------------

GÓC KỸ NĂNG

CHINH PHỤC BẢN THÂN – TIÊU DIỆT CẢM XÚC TIÊU CỰC

Thất bại luôn gây cảm giác chán chường và mệt mỏi, và sau đó bạn thường tự nhủ sẽ cẩn trong hơn? Nhưng cái bóng của sai lầm quá lớn cản trở bạn vượt qua. Đừng để cuộc đời bạn ảnh hưởng với những cảm xúc không đáng có này. Hãy dừng lại và tiêu diệt thứ cảm xúc tiêu cực đáng ghét tiềm ẩn trong bạn ngay lập tức.

Đừng bào chữa

Nguyên nhân sâu xa gây ra cảm xúc tiêu cực là sự bào chữa. Bạn có cảm giác yếu đuối khi tự bào chữa với bản thân hoặc với người khác rằng bạn có quyền tức giận hay thất vọng. Thường những người giận dữ phạm lỗi luôn miệng trình bày đủ lý do để giải thích. Chừng nào bạn còn tự bào chữa cho bản thân, cảm xúc ấy còn kiểm soát và chi phối suy nghĩ của bạn theo hướng xấu đi.

Rất nhiều người không thành công mắc phải căn bệnh tinh thần này- tạm gọi là "tự bào chữa". Khi căn bệnh này trầm trọng, chắc chắn người đó sẽ chuốc lấy thất bại.

Đừng có lý giải thiệt hơn

Khi được sếp giao công việc cho đội nhóm, bạn thường mang tâm lý tìm lý do tránh bị thiệt thòi. Bạn tìm cách né tránh hoặc tìm một điểm tích cực nào đó trong hành vi để thuyết phục mọi người. Bạn tự mình vào vị trí nạn nhân, và biến người khác vào vị trí "kẻ áp bức". Cách ứng xử này sẽ tiếp tục giam giữ cảm xúc tiêu cực luôn tồn tại trong con người bạn. Dừng việc lý giải thiệt hơn và bắt đầu đổi mới bản thân khi chưa muộn bạn nhé.

Vượt lên ý kiến của người khác

Làm vừa lòng tất cả mọi người là điều không thể. Bạn chỉ mất thời gian và kiệt sức trong bế tắc. Việc quá quan tâm hay nhạy cảm với cách người khác cư xử cũng gây nên cảm xúc tiêu cực. Một số người hình thành hình ảnh bản thân qua cảm nhận của người khác. Khi những ý kiến này tiêu cực thì ngay lập tức họ bị cuốn vào cảm xúc giận dữ, tự ti, bối rối.

Thách thức lớn nhất trong cuộc sống là tin vào bản thân bạn. Hãy là chính mình, mọi người sẽ chấp nhận con người thật của bạn.

Không đổ lỗi cho người khác

Đừng đổ lỗi cho người khác về những rắc rối của bạn. Khả năng thực hiện ước mơ tỷ lệ thuận với khả năng tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống. Khi trách người khác, đồng nghĩa việc bạn chối bỏ trách nhiệm. Đừng trao cho người khác quyền kiểm soát phần cuộc sống đó của mình.

Hãy bắt đầu thôi viện cớ hay bào chữa cho hành vi của chính mình. Nếu bạn phạm sai lầm, hãy nói câu xin lỗi và bắt tay ngay vào việc sửa sai.

Chịu trách nhiệm cá nhân

Tất cả các khó khăn đều có lý do để giải thích. Có thể tại thời điểm xảy ra bạn không nhìn thấy hay thấu hiểu được. Liều thuốc tốt nhất giải quyết mọi cảm xúc tiêu cực là chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm cá nhân. Nếu bạn tự hoá giải cảm xúc trên và kiểm soát cuộc đời mình bằng ý thức " TỘI TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM!" mỗi khi giận dữ, hay thất vọng. Bạn càng nhận trách nhiệm đối với bản thân bao nhiêu, khả năng tự làm chủ chính mình, sự mạnh mẽ, tự tin cũng tăng lên tương ứng.

Làm chủ cảm xúc

Để duy trì cảm xúc tích cực, hãy loại bỏ chỉ trích, phàn nàn hay lên án người khác về bất cứ việc gì. Khi làm được điều này, bạn đã kích thích cảm xúc tích cực trong mình trỗi dậy. Ngược lại, giữ thái độ khó chịu đã để mặc cho cảm xúc tiêu cực chi phối bản thân và cùng lúc cho người khác kiểm soát suy nghĩ của bạn. Đây không phải là điều khôn quan. Hãy nhớ- chính bạn là kiến trúc sự tạo ra số phận của chính mình.

Nguồn:careerlink.vn

 

NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM KHI CUỘC SỐNG CỦA BẠN TRỞ NÊN RỐI LOẠN

Đương đầu với những việc mà bạn có thể hoặc không thể kiểm soát.

Ngôi nhà của bạn bừa bộn. bạn đang đứng đằng sau đống hóa đơn, hộp thư của bạn đã chất đống thư từ và con mèo của bạn đang cần đến bác sĩ thú y. Đây là những việc cần phải làm ở bất kỳ nơi nào bạn đến, và bạn không biết bắt đầu từ đâu, và bạn không biết làm sao để kiểm soát được tất cả mọi thứ. Thậm chí bạn không nên tiếp tục đọc bài viết này bởi vì bạn có quá nhiều việc để làm.

Một vài bước đột phá đầu tiên trong việc tìm hiểu về áp lực được tiến hành bởi nhà sinh lý học nổi tiếng Hans Selye, người đã đưa ra định nghĩa về “Hội chứng thích nghi tổng quát”. Selye đã đề xuất chúng ta giải quyết những tình huống căng thẳng như cách mà các động vật trong phòng thí nghiệm ông đã làm – trở nên hoảng hốt, cố gắng chống chọi lại và cuối cùng chịu thua vì kiệt sức nếu căng thẳng vẫn còn tiếp tục.

Không giống như động vật trong phòng thí nghiệm, con người có nhận thức, nghĩa là chúng ta nhớ lại những trải nghiệm của mình và đưa ra quyết định cho dù chúng có là hiện thân cho áp lực hay không. Nhà tâm lý học Berkeley , Richard Lazarus đã đề xuất một tình huống căng thẳng chỉ khi chúng ta cảm nhận nó theo cách đó.

1 sự việc đe dọa bạn có thể là thách thức với người khác. Bạn coi việc hộp thư đến đầy tin nhắn giống như những vấn đề không thể giải quyết được, nhưng cô bạn tri kỷ của bạn lại có thể giải quyết tất cả những email ấy một cách hiệu quả, và thậm chí coi chúng như bằng chứng cho sự quan trọng của cô ấy với người khác.
2 cách cơ bản sau để giải tỏa những căng thẳng:

  • Khi giải quyết những vấn đề quan trọng, chúng ta trực tiếp đối mặt với những mối đe dọa bằng cách cố gắng thay đổi tình huống đó.
  • Khi giải tỏa cảm xúc, chúng ta hãy cố gắng khiến bản thân nhìn nhận mối đe dọa đó theo chiều hướng tích cực hơn.

Nghiên cứu của Laazarus và Folkman đã chỉ ra rằng không có một cách cụ thể nào để giải tỏa căng thẳng. Bất cứ cái gì giúp bạn giảm bớt căng thẳng, thì đó đều là phương pháp tốt nhất cho bạn, mặc dù việc giải quyết những vấn đề quan trọng sẽ tốt hơn khi chúng ta có thể thực sự thay đổi tình huống và việc giữ thái độ tích cực là điều bạn không thể làm được lúc đó.

Trong hơn ba thập niên qua với những tiến bộ trong việc định nghĩa áp lực là gì và cách đương đầu với nó, hàng trăm nghiên cứu đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa áp lực, cách giải tỏa và tâm lý khỏe mạnh. Các nhà tâm lý học của Đại học Connecticut, Kristen Riley và Crystal Park (2014) nhìn nhận một cách sâu sắc về việc bạn có thể chuyển cảm giác choáng ngợp trước những mớ hỗn độn và biến chúng sang những hành động hữu ích sẽ giúp bạn biến mối đe dọa thành cơ hội như thế nào.

 

 

Rối loạn cuộc sống

Theo Riley và Park, có một cách thứ ba để giải tỏa – tập trung đối mặt – tức là bạn sẽ phải thay đổi cách mà bản thân nhìn nhận những tình huống căng thẳng và coi nó giống như một cơ hội để trưởng thành. Nó giống như việc tỏ ra bình thường sau khi chia tay (sau cơn mưa, trời lại sáng).

Tuy nhiên, thái độ này có thể không phải lúc nào cũng hiển nhiên và không phải lúc nào cũng giúp làm giảm đi những căng thẳng, kết quả của những cảm xúc ấy là một mớ hỗn độn trong cuộc sống. Riley và Park đã nghiên cứu bằng cách coi mối đe dọa giống như cơ hội, bạn thực sự có thể hoàn thành công việc tốt hơn khi cảm thấy ổn hơn.

Thay vì không mở Hộp thư đến (giải tỏa cảm xúc), bạn nên coi nó như cơ hội để thách thức khả năng của mình, để hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ, bạn có thể thực hiện với quá trình này tự tin hơn, nó cho phép bạn quên đi gốc rễ của áp lực.

Trong cuộc sống của chính chúng ta, việc định nghĩa lại những rối loạn giống như việc bạn có thể tiến thẳng đến bước đầu tiên để sắp xếp lại mớ lộn xộn ấy. Facebook hoặc những video trò chơi mà bạn yêu thích sẽ trở thành vô ích – mặc dù nó có thể giúp bạn quên những thứ đấy trong chốc lát. Thay vì đó, hãy thực hiện bước đầu đầu tiên, có thể bạn sẽ nhìn thấy những rắc rối mà trong tầm kiểm soát của bạn, nguyên nhân dẫn đến nó sẽ tan biến dần.

Giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống không có nghĩa là tất cả đều luôn suôn sẻ. Thay vì đó, khi gặp khó khăn, hãy soi vào cách bản thân đối mặt với những rắc rối ấy. Cuối cùng, mọi chuyện sẽ thuận theo ý bạn, một bước để giải tỏa căng thẳng.

Nguồn Nghethuatsong.vn

---------------------------

ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN

THÁNG 7/2018

- Tiếp tục, tuyên truyền tốt các chủ trương, đường lối, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh; tiếp tục tuyên truyền về tình hình biên giới, biển đảo Việt Nam; thông tin chương trình, nội dung kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến của cư tri gửi tới kỳ họp. Thông tin hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thông tin chương trình làm việc, kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Tỉnh ủy tại các Đảng bộ về việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ X.

- Tăng cường tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tuyên truyền về nội dung chuyên đề năm 2018: “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với rèn luyện tác phong cán bộ Đoàn sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, sâu sát cơ sở” cho cán bộ Đoàn và chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong ĐVTN.

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; công tác kiểm tra, quản lý của các ngành chức năng; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, cứu nạn; tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy; tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ thực hiện bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, những thành tựu và tính ưu việt của các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội; các chính sách chăm lo cho thanh thiếu nhi; thanh niên sáng tạo khởi nghiệp

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022; kết quả các hoạt động, công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho địa phương, đơn vị.

- Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 103 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2018), kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2018); kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 – 24/7/2018), 71 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), 68 năm ngày truyền thống Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2018). Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn"; Tháng cao điểm từ 1/7 – 27/7/2018; Tuần lễ Đền ơn đáp nghĩa từ 20/7 – 27/7/2018; thăm, tặng quà gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách; tham gia Lễ Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

- Tuyên truyền các hoạt động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè tỉnh Bến Tre năm 2018.

- Tăng cường nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên trước, trong và sau Đại hội Đoàn các cấp; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN