Bình Đại: Gương thanh niên khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô

Hưởng ứng chương trình Đồng khởi khởi nghiệp – phát triển doanh nghiệp. Thời gian qua, huyện đoàn Bình Đại đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế gia đình được đa số đoàn viên, thanh niên trong huyện hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn huyện đã xuất hiện hơn 30 mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, góp phần khuyến khích các đoàn viên, thanh niên trong huyện tham gia sôi nổi. Điển hình có mô hình khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô của đoàn viên Trần Hoàng Lam, ở ấp 2, xã Bình Thắng.

Sinh năm 1990, tại xã biển Bình Thắng, kinh tế chủ yếu của xã là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Hoàng Lam học nghề điện tử và mở cửa hàng mua bán điện thoại di động, nhưng nhận thấy thị trường bất ổn, khả năng cạnh tranh với nhiều cửa hàng lớn không cao, nên Lam có ý định khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô từ nghề truyền thống của gia đình.

Ban đầu do không có vốn, Lam đã vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình khởi nghiệp của Đoàn thanh niên huyện để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở chế biến, sân nền phơi cá khô, mua 4 máy sấy phục vụ trong mùa mưa, bão. Với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn, Lam đã từng bước phát triển nghề chế biến cá khô của gia đình.

Hiện tại, cơ sở chế biến cá khô của Lam và gia đình ngày càng phát triển, doanh thu mỗi tháng trên 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại chỗ, với mức lương từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng/1 người/1 tháng, tùy công lao động thực hiện từng khâu.

Hoàng Lam chế biến cá khô. (Ảnh: Thanh Hương)

Hoàng Lam cho biết: mỗi ngày cơ sở chế biến và xuất bán trung bình từ 500 – 700kg cá khô các loại. Chủ yếu là cá đù, cá đổng, cá mắt kiếng. Sản phẩm cá khô làm ra được phân phối cho các tiểu thương tại các chợ tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Giá bán mỗi kg cá khô trên 70 ngàn đồng.

Hoàng Lam cho biết thêm: “Điều khó khăn nhất trong thời gian bắt đầu khởi nghiệp của Lam là nguồn vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có lúc hút hàng không đủ để tiêu thụ, có lúc thương lái kèo nài đủ kiểu để làm giá, bởi vì hiện tại mặt bằng chế biến chưa đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh”.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, Hoàng Lam chia sẻ: “Một trong những yếu tố giúp Lam khởi nghiệp thành công là mạnh dạn đầu tư, nhất là sự kiên trì và cố gắng trong lúc khó khăn. Tuy niên, cũng như nhiều đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, Lam mong muốn được hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục mở rộng, phát triển cơ sở chế biến cá khô, đặc biệt là pê tông các sân phơi cho sạch sẽ và thông thoáng, đầu tư xây dựng thương hiệu cá khô cho cơ sở chế biến,..,v.v”.

Không chỉ khởi nghiệp phát triển sản xuất, Trần Hoàng Lam còn là một ấp đội và là thành viên Hội đồng nhân dân xã rất năng nổ có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Hoàng Lam xứng đáng là một trong những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của huyện đoàn Bình Đại, là tấm gương sáng trong phong trào Đồng khởi- khởi nghiệp hiện nay để các đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo./.

Lê Thị Thanh Hương